Bạn đang xem: Trang chủ » Văn hóa

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Thứ bảy 18/03/2023 05:00

Cao Bằng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, nhiều làng nghề đang dần bị mai một, mất dần chỗ đứng trên thị trường và có nguy cơ thất truyền. Vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện hơn.

Nghề làm đường phên ở xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) ngày càng phát triển.

NHIỀU NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC DẦN KHÔI PHỤC

Có mặt tại làng rèn Phúc Sen (Quảng Hòa), chúng tôi phấn khởi khi thấy người dân Phúc Sen đã từng bước phát triển, xây dựng các chuỗi sản xuất có quy mô lớn. Là một làng có nghề rèn đúc nông cụ truyền thống lâu đời, đến nay làng rèn Phúc Sen khẳng định được vị thế của làng nghề thủ công truyền thống với các sản phẩm phong phú, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vượt qua những thăng trầm, hoạt động làng nghề ở Phúc Sen ngày càng mở rộng và phát triển. Hiện nay nghề rèn ở xã đang duy trì sản xuất ở 4/11 xóm: Pác Rằng, Phia Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ. Tổng số lò rèn trong xã 145 lò và gần 300 người thường xuyên tham gia sản xuất. Sản phẩm dao của Phúc Sen được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Thu nhập từ làm rèn chiếm 70% tổng thu nhập của hộ gia đình. Từ làm rèn, các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ có thu nhập hằng năm trên 90 triệu đồng/năm.

Không chỉ làng rèn Phúc Sen mà nghề làm đường phên Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận cũng là một trong những làng nghề có tiếng của Quảng Hòa. Với bề dày sản xuất đường phên hơn 100 năm, nghề làm đường phên ở xóm Bó Tờ đến nay vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Theo bà Nông Thị Hảo, tại xóm Bó Tờ cho biết: Nghề trồng mía để làm đường phên bằng phương pháp thủ công có từ hàng trăm năm nay tại xóm Bó Tờ và các xóm lân cận. Từ ngày còn bé bà đã được xem ông bà, bố, mẹ ép mía để nấu đường. Không chỉ người già mà cả trẻ em đều biết làm đường phên thủ công. Ban đầu chỉ một số hộ trong xóm làm đường phên để tự phục vụ gia đình nhưng đến nay số hộ làm đường phên trong xóm có 85/150 hộ. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công dày dặn kinh nghiệm, hiện nay, làm đường phên là một trong những nghề mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, sản phẩm khẳng định được uy tín trên thị trường trong huyện, trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay tỉnh có 21 làng nghề truyền thống chủ yếu sản xuất các sản phẩm: miến dong, hương, giấy dó, cơ khí nhỏ (nghề rèn đúc), đường phên, đan lát, dệt thổ cẩm, bánh nướng, ngói máng và trạm khắc bạc. Đến nay có 5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, gồm: Làng nghề làm hương thảo mộc, xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); Làng nghề làm đường phên, xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa); Làng nghề làm hương Phja Thắp, Làng nghề làm rèn Phúc Sen, Làng nghề làm giấy bản Quốc Dân, xã Phúc Sen (Quảng Hòa). Đã có hơn 90 sản phẩm của các cơ sở ngành nghề nông thôn được chứng nhận sản phẩm OCOP, khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương.

Việc công nhận nghề, làng nghề truyền thống góp phần khôi phục và phát triển nhiều nghề truyền thống. Các làng nghề ngoài việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn làng nghề còn gặp nhiều thách thức. Hiện nay, các làng nghề đều sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thậm chí ở mức độ trầm trọng. Trong khi đó, hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ, như khai thác và xử lý nguyên vật liệu phục vụ cho các loại ngành nghề còn yếu, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển. Mặt khác, các làng nghề thiếu lao động có tay nghề giỏi, không am hiểu về xu hướng thị trường, thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, nhất là khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, mà đây lại là yếu tố quyết định để làng nghề "sống" được và phát triển.

CHÚ TRỌNG BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Từ những thực trạng nêu trên, việc bảo tồn, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống cần tiếp tục được quan tâm đầu tư nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Đồng chí Hoàng Huy Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Hòa cho biết: Là một trong những địa phương có nhiều làng nghề và nghề nông thôn, tuy nhiên, ngoài 4 làng nghề đã được công nhận và hiện nay vẫn được duy trì, phát triển thì các làng nghề và ngành nghề nông thôn khác đều trong tình trạng phát triển tự phát, nhỏ lẻ, có nghề có nguy cơ mai một và mất hẳn. Do đó, việc cần làm bây giờ là bảo tồn và phát triển các làng nghề và ngành nghề nông thôn. Sự phát triển bền vững làng nghề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là các chính sách hỗ trợ, nhất là về quy hoạch và mặt bằng kinh doanh, về hạ tầng cơ sở và công nghệ bảo vệ, xử lý môi trường; vốn và về phát triển thương hiệu, ổn định đầu ra; gắn với quy hoạch và chiến lược tổng thể xây dựng nông thôn mới… Ngoài ra, cần coi trọng sự phối hợp đa ngành trong kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao; liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch văn hóa.

Không riêng huyện Quảng Hòa, tại một số địa phương, mặc dù nghề truyền thống không phải là thu nhập chính, nhưng lại tạo việc làm lúc nông nhàn, tận dụng lao động các lứa tuổi để cải thiện thu nhập cho người dân. Các nghề này đóng góp không nhỏ trong việc ổn định kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, tỉnh và các địa phương có nhiều chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.

Đồng chí Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Hiện nay, để phát triển làng nghề, tỉnh đang chú trọng xây dựng quy hoạch tổng thể các làng nghề nhằm định hướng phát triển phù hợp cho mỗi làng nghề; việc quy hoạch làng nghề truyền thống ưu tiên theo hướng quy hoạch phát triển sản xuất gắn với phục vụ du lịch. Lồng ghép việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2020 - 2025. Qua đánh giá thực trạng tại các làng nghề, tỉnh quy hoạch rõ điểm nghề, làng nghề, để có chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo tay nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng. Cùng với đó, tỉnh đang xây dựng các chính sách kết nối thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm truyền thống tới người tiêu dùng, xây dựng các kênh giới thiệu sản phẩm của các tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã theo hội chợ, kênh truyền thông xã hội. Hằng năm, Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thông qua việc hỗ trợ mua máy móc, thiết bị, các hệ thống, dây chuyền sản xuất góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc, giảm thiểu sức lao động của người dân và tăng thu nhập…

Làng nghề và những giá trị văn hóa của làng nghề là tài sản quý của từng địa phương và của cả quốc gia. Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách của nhà nước, rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm của làng nghề, giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Thanh Thúy

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh