Bạn đang xem: Trang chủ » Thời sự

Bộ Ngoại giao triển khai nhiệm vụ năm 2023

Thứ ba 10/01/2023 17:37

Sáng 10/1, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tham dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; cán bộ ngoại giao trong và ngoài nước qua các thời kỳ. Hội nghị được kết nối với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố cả nước. Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì.

Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, đơn vị: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Ban Quản l‎ý Khu kinh tế tỉnh; UBND các huyện: Quảng Hòa, Thạch An, Hà Quảng, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Năm 2022, thế giới đã trải qua những biến động lớn, có những vấn đề ngoài dự báo thông thường, phức tạp và khó khăn hơn trước. Trong đó, nổi lên là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, xung đột Nga - Ucraina, chạy đua vũ trang, bất ổn chính trị, KT - XH gia tăng ở nhiều nước. Ở trong nước, việc phục hồi và phát triển KT - XH gặp nhiều khó khăn, vừa phải khắc phục các yếu kém nội tại, xử lý hệ lụy của dịch Covid-19, vừa phải đối phó với các tác động tiêu cực của biến động thế giới. Trong ngành ngoại giao nảy sinh vụ việc chưa từng có tiền lệ, tác động đến tâm tư, tình cảm của các thế hệ cán bộ ngoại giao. Ngành ngoại giao trải qua thử thách, khó khăn lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, thực hiện cả nhiệm vụ đối ngoại và nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành ngoại giao hết sức nặng nề, phức tạp; vừa tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa phải xử lý các vấn đề mới phát sinh, đồng thời phải tạo lập nền tảng căn cơ, lâu dài cho triển khai đối ngoại và ngoại giao.

Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao đã đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”; phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, ngành vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với kết quả toàn diện và quan trọng.

Nổi bật là tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, trong đó gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt đã phản ánh một bức tranh sôi động trên mặt trận đối ngoại và ngoại giao, giúp tăng cường tin cậy chính trị, tạo xung lực mới cho mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. Ngành ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề biên giới lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo; kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán và đạt những kết quả quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề trên biển, trên bộ phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia dân tộc.

Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngoại giao kinh tế, hợp tác kinh tế là nội dung trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, trong đó có nhiều thỏa thuận, dự án hợp tác được ký kết. Ngành ngoại giao triển khai nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, đối tác với phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Kết quả, ngoại giao kinh tế trong năm 2022 đóng góp thiết thực vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, thu hút đầu tư, du lịch, mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục 700 tỷ USD… Trên bình diện đa phương, chủ động, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế tại nhiều diễn đàn đa phương quan trọng như: Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, tiểu vùng Mê Công. Năm 2022, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế, nổi bật là trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Nghiên cứu, dự báo, tham mưu đối ngoại, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh tham mưu kịp thời chủ trương, đối sách phù hợp trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình quốc tế đã hoàn thành nhiều đề án đối ngoại quan trọng để cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam tiếp tục được quảng bá sâu rộng ra thế giới, có thêm nhiều di sản của Việt Nam được quốc tế công nhận. Các chương trình kết nối, chăm lo kiều bào ta ở nước ngoài được triển khai tích cực, hiệu quả; kịp thời sơ tán an toàn hàng nghìn công dân, kiều bào tại Ukraine, bảo hộ tốt công dân, ngư dân, tàu cá ở nhiều địa bàn...

Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đạt nhiều tiến bộ. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt. Cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục kiện toàn tinh gọn, hiệu quả hơn. Phong cách, lề lối làm việc từng bước đổi mới theo hướng khoa học, tuân thủ quy chế, quy trình, chuyển đổi số, có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Cơ sở vật chất trong nước và các cơ quan đại diện dù còn nhiều khó khăn, song tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trong đó, gìn giữ, phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”; trước những diễn biến, tình huống phức tạp, khó khăn, thử thách cần bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế; đồng thời, uyển chuyển, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong sách lược, thích ứng với tình hình mới, nhạy bén nắm bắt cơ hội, “biến nguy thành cơ”.

Tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu đối ngoại, đánh giá đúng tình hình, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để luôn giữ vững thế chủ động, “biết cương, biết nhu”, “biết tiến, biết thoái” trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình. Đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành ngoại giao; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025. Đất nước ta tuy đạt nhiều thành tựu to lớn trong năm qua, song vẫn đối mặt không ít khó khăn, thách thức lớn. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những biến động rất phức tạp, khó đoán định về địa - chính trị, KT - XH. Cùng với đất nước, ngành ngoại giao đang bước sang giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, với quyết tâm cao xây dựng ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp. Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023; cùng với các cấp, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và ngoại giao, phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ tốt thời cơ, vận hội và huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển nhanh, bền vững đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngoại giao chủ động dự báo tình hình, thích ứng kịp thời, bản lĩnh và linh hoạt trong đấu tranh, ứng xử ngoại giao; phát huy mạnh mẽ bản sắc “cây tre Việt Nam”, giữ vững thế ổn định và vươn lên nhờ “gốc vững” là kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược, ứng xử với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Thời gian tới, ngành ngoại giao nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, khơi dậy tâm huyết, trí tuệ của mỗi cán bộ ngành ngoại giao để cống hiến cho đất nước.

M.H

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh