Bạn đang xem: Trang chủ » Non nước Cao Bằng

Xã Nam Tuấn

Chủ nhật 24/04/2022 06:00

Xã Nam Tuấn (Hòa An) có phong trào cách mạng phát triển từ sớm. Thời Pháp thuộc, Nam Tuấn gồm 3 xã: Đại Lai, Tịnh Oa thuộc tổng Tịnh Oa, phủ Hòa An và xã Xuân Nông thuộc tổng Phù Đúng, châu Hà Quảng. Tháng 11/1946, ba ban Việt Minh và một số đại diện ủy ban cách mạng các xã, ngành, thôn xóm tổ chức họp nhóm để hợp nhất xã và đặt tên xã là Nam Tuấn - tên của một đồng chí cán bộ cách mạng hy sinh ngày 12/7/1945 tại Tà Lùng, huyện Quảng Hòa. Đồng chí Nam Tuấn tên thật là Nông Văn Súng, quê ở Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng).


Trung tâm xã Nam Tuấn (Hòa An).

Sau khi chiếm được Cao Bằng, thực dân Pháp tăng cường củng cố lại bộ máy cai trị ở Nam Tuấn. Với mục tiêu đòi chính quyền thực dân Pháp phải chấp nhận Cao Bằng được cử đại biểu tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, tổng Tịnh Oa cùng tổng Nhượng Bạn, Hà Đàm, Thượng Yên kéo xuống Thị xã đấu tranh. Từ năm 1935 - 1939, một số thanh niên xã Nam Tuấn đi học ở Nước Hai được tuyên truyền, giác ngộ tham gia cách mạng và hình thành các tổ trung kiên cách mạng, tổ nhóm trung kiên phân công nhau xuống các xóm tổ chức tuyên truyền, giác ngộ để phát triển, gây dựng phong trào cách mạng, học chữ Quốc ngữ.

Năm 1947, Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng hòng chiếm lại Cao Bằng. Nhân dân xã Nam Tuấn hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ thực hiện “vườn không, nhà trống”. Từ tháng 1 đến khoảng tháng 7/1950, tại xã Đức Long và xã Nam Tuấn có nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đến đóng quân để đón chặn đánh quân Tưởng đang tràn vào huyện Hà Quảng. Đội du kích xã Nam Tuấn phối hợp với bộ đội phục kích địch ở Nà Giàng, Mu Nẳng và làm nhiệm vụ tiếp cơm cho bộ đội đánh thắng và đuổi giặc đến tận Phục Hòa. Nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho bộ đội.

Từ năm 1951 - 1952, xã Nam Tuấn đều hoàn thành nghĩa vụ quân sự, số thanh niên lên đường nhập ngũ đều đạt và vượt chỉ tiêu giao. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng trăm thanh niên nam nữ và nhân dân xã Nam Tuấn xung phong gánh gạo từ Hòa An đến Nà Phặc (Bắc Kạn) biên chế thành trung đội, đại đội Nam Tuấn.

Toàn xã Nam Tuấn có 13 liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, 98 liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, 23 liệt sĩ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (tháng 2/1979). Xã có 40 Lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa; 54 Bằng có công với nước; 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 2000, xã Nam Tuấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời kỳ đổi mới, xã Nam Tuấn phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, là vùng trọng điểm trồng thuốc lá nguyên liệu của huyện, tỉnh; nhân dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2017, xã Nam Tuấn đạt chuẩn nông thôn mới.         

Dạ Đăng

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh