|
Tiết mục "Trùng Khánh ngàn yêu thương" do Nghệ sĩ Nhân dân Dương Liễu và Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Ái biểu diễn tại Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2022.
|
Tôi nhớ cách đây tròn 10 năm, vào một sớm tháng Sáu, tôi vừa đến cơ quan Hội, chợt từ ngoài sân vang lên giọng nói vui vẻ của chị: "Em ơi! Chị được phong danh hiệu NSND rồi"! Tôi vội nhìn ra: Dương Liễu với vẻ mặt tươi tắn, chị cười đấy, mà mắt ngấn lệ. Tôi chúc mừng chị và chia vui với chị. Hình như mắt tôi cũng nhòa đi! Vui lắm chứ. Tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên vinh dự có người con được phong tặng danh hiệu NSND - một danh hiệu cao quý mà bất cứ ca sĩ, nghệ sĩ nào cũng mơ ước.
Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe giọng hát và giọng ngâm thơ của NSND Dương Liễu, chất giọng trong trẻo, sâu lắng đầy truyền cảm của chị khiến tôi "mê" chị từ ngày ấy. Từ nhỏ chị đã theo học nhạc. Năm 1974 chị thoát ly làm công nhân ở Nhà máy đường Phục Hòa, hai năm sau chị đi học lớp Sư phạm Mẫu giáo ở Lạng Sơn. Năm 1979 ra trường chị được Đoàn Nghệ thuật tỉnh tuyển, chị bắt đầu bước vào làng ca sĩ chuyên nghiệp từ đó đến nay, thấm thoát đã gần 50 năm trong nghề. Trước đây, NSND Dương Liễu từng tâm sự với tôi: Biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ đã qua, những vui buồn trong nghề, nhưng với chị điều làm cho chị trăn trở nhất là làm sao rèn luyện và giữ được chất giọng của mình để phục vụ nhiều hơn nữa cho đồng bào mình. Nhất là đồng bào vùng cao, vùng xa khó khăn, họ thiếu thốn nhiều lắm, mong mỏi xem văn công biểu diễn lắm!
Quả vậy, nhìn dáng đi nhanh nhẹn (các cụ nói dáng đi vất vả) của chị, đủ biết NSND Dương Liễu là người của công việc. Chị lo cho anh chị em diễn viên từ việc nhỏ nhất như: ra sân khấu phải tạo dáng như thế nào? Rèn kỹ năng thanh nhạc ra sao? Trang phục phải phù hợp với nội dung từng tác phẩm…; chị luôn động viên họ, trao đổi kinh nghiệm diễn xuất với họ, coi họ như con em của mình. Chị xưng "u" với các bạn trẻ một cách thân tình. Ở con người chị toát lên sự gần gũi, chân thành và hòa đồng với mọi người. Bản thân chị luôn tự học hỏi, tự trau dồi chuyên môn, tự luyện thanh, rồi chị học hỏi từ các nghệ nhân dân gian về các làn điệu dân ca… cứ thế chị âm thầm tích cóp kinh nghiệm, rèn kỹ năng, chất giọng.
Chị hát các làn điệu dân ca Dá hai, Nàng ới, Then…, người nghe cứ ngỡ chị là người Tày hoặc Nùng chính gốc. Trong khi chị lại là gốc Kinh. Có lẽ, bên cạnh lòng đam mê nghề, với NSND Dương Liễu thì việc gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc đã nhuốm sâu vào tâm hồn của chị. Sự bền bỉ chuyên cần của chị đã được đền đáp, năm 1997 Dương Liễu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, đây chính là phần thưởng lớn lao của chị được Nhà nước ghi nhận.
Vừa bồi hồi nghe giọng hát của NSND Dương Liễu trên sóng, tôi vừa nhớ có lần chị kể: "Một lần xe của Tỉnh đội đưa đi, vì điều kiện đường xá xấu, lại đi vào vùng hẻo lánh nên cả đội bị nhịn đói cả ngày, nhưng khi đến nơi diễn thấy bà con đốt đuốc ngồi chờ rất đông, bọn chị quên cả đói, mệt cứ thế cả đội vui vẻ hát phục vụ bà con. Lại có lần đi biểu diễn ở biên giới về, xe đang đi bỗng giữa đường có một anh bộ đội đứng đưa mũ ra vẫy vẫy, "có khi anh ấy xin đi nhờ". Xe dừng lại, lái xe thò đầu ra gọi: "Anh có đi thì lên xe đi!"; anh bộ đội đưa tay lên vành mũ chào lái xe và nói: "Thưa các đồng chí, hôm qua các đồng chí vào biểu diễn, tôi đang ở trên chốt nên không được nghe chị Dương Liễu hát, giờ tôi muốn được nghe chị hát và ngâm thơ cho tôi nghe một hai bài được không ạ?". Vậy là Dương Liễu vui vẻ xuống xe, đứng ngay bên đường hát và ngâm thơ cho anh bộ đội nghe năm, sáu tiết mục. Nghe xong, anh bộ đội bắt tay và cảm ơn chị. Cặp mắt của anh bộ đội nhìn chị đầy cảm kích. Thế đấy, dù ở đâu thì văn hóa, văn nghệ vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người". Chị nở nụ cười lộ lúm đồng tiền tươi tắn bên má.
Ngày ấy, dù công việc chuyên môn bận rộn, lại phải đi biểu diễn xa nhà, đi công tác thường xuyên, thế nhưng NSND Dương Liễu vẫn không quên dạy dỗ cô con gái bé bỏng của mình (chồng chị đã qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo), cô con gái ngoan cũng hiểu được tình thương yêu của mẹ dành cho mình nên chăm chỉ, miệt mài học tập. Tốt nghiệp trường múa (hệ đại học 7 năm), cô bé trở về nhưng cô không theo "nghiệp" mẹ; cô bé rẽ ngang theo học thạc sĩ quản lý hành chính tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hiện con gái NSND Dương Liễu lập gia đình riêng và đang công tác tại Hà Nội.
Từ ngày nghỉ chế độ hưu trí, NSND Dương Liễu luôn trăn trở phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy thế mạnh các làn điệu dân ca: Pựt Lằn, Dá Hai, Hà Lều… của người Tày, Nùng đang có nguy cơ mai một. Vì vậy, chị tự mình đi xe máy vào các huyện Hà Quảng, Hạ Lang, Quảng Hòa… giúp các đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, xã khôi phục lại các làn điệu dân ca giàu sắc thái dân tộc ấy. Dù tuổi không còn trẻ nhưng NSND Dương Liễu vẫn tham gia đạo diễn các sự kiện diễn ra trong tỉnh, giọng hát của chị vẫn làm xao xuyến biết bao con tim của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Đức tính bền bỉ, không quản ngại khó khăn, tự vượt lên chính mình của NSND Dương Liễu được gặt hái bằng 8 Huy chương vàng tại các liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực. Ngày 19/6/2012, Nghệ sĩ Ưu tú Dương Liễu được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.
Ngắm bức ảnh NSND Dương Liễu với nụ cười rạng rỡ, lúm đồng tiền duyên dáng, tôi không khỏi rưng rưng. Mới đó mà chị đã ra đi, bên thềm xuân những nụ hoa đào tươi thắm dường như cũng lặng lẽ từ biệt chị. Từ biệt con chim sơn ca của tỉnh Cao Bằng, từ biệt một tâm hồn trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết trong lao động nghệ thuật… "Lên Cao Bằng quê em, xin anh đừng làm lạ. Mời rượu cả chum, mời quả cả cây, Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy, tin nhau không nói nhiều lời…". Giọng ca vàng của NSND Dương Liễu sẽ còn vang mãi.