Những thanh niên vùng cao khởi nghiệp

Chủ nhật 05/02/2023 05:00

Ý chí, quyết tâm và tinh thần dám nghĩ, dám làm giúp cho nhiều thanh niên vùng cao chạm tay đến thành công khi xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế của gia đình. Từ đó, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ vùng cao trong cộng đồng.

Anh Nông Văn Tậu, phố Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh) chăm sóc vườn dâu.

BẮT NHỊP VỚI XU THẾ

Đến phố Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh), chúng tôi có một trải nghiệm thú vị mà ngỡ rằng chỉ khi đi Đà Lạt hoặc Mộc Châu mới có. Đó là được tham quan, chụp ảnh và trực tiếp hái quả dâu tây tại vườn của anh Nông Văn Tậu. Đang nhanh tay lựa chọn, hái những quả dâu tây chín, đỏ mọng, em Nguyễn Quang Huy (Thành phố) vui vẻ cho biết: Bình thường bố mẹ vẫn mua hoa quả về nhà nhưng hôm nay là lần đầu em được nhìn thấy cây dâu thực tế và tự tay hái quả dâu nên em thấy rất vui, rất thích.

Ý tưởng thực hiện dự án trồng dâu tây kết hợp làm du lịch trải nghiệm với các sản phẩm nông nghiệp địa phương được anh Tậu nhen nhóm sau khi đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh cũng như từ các diễn đàn thanh niên khởi nghiệp. Anh Tậu chia sẻ: Năm 2020, tôi trồng thử nghiệm 500 m², bán với giá từ 150 - 200 nghìn/kg, thu lãi hơn 18 triệu đồng. Nhận thấy đây là mô hình kinh tế đầy triển vọng, phù hợp với khí hậu địa phương nên năm 2021, tôi mạnh dạn vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 500 triệu đồng, thuê đất trồng lúa cạnh đường lớn để trồng dâu tây, kết hợp dịch vụ đón khách tham quan trải nghiệm. Hiện vườn dâu của gia đình rộng hơn 1 ha, trồng 26.000 gốc dâu tây chia thành 66 luống, sản lượng mỗi ngày ước đạt từ 30 - 40 kg.

Giống dâu tây được trồng tại vườn là giống Hana (Nhật Bản) nhập trực tiếp từ Đà Lạt rồi chuyển về vườn trồng. Ban đầu khi mới trồng, anh gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc. Qua nghiên cứu, học hỏi, dần dần anh đã biết được đặc tính sinh trưởng của cây và áp dụng biện pháp chăm sóc theo hướng hữu cơ. Để cây sinh trưởng tốt, anh thường dùng dịch chuối và bã đậu bón cho cây và tháng một lần bón thêm phân vi sinh Thái Bình. Ngoài ra, anh còn bón thêm phân trùn quế. Quy trình chăm bón đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công từ khâu nhổ cỏ cho đến chăm sóc và thu hoạch. Hệ thống nước tưới được đầu tư bán tự động, thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc cây cũng như an toàn cho hoạt động trải nghiệm của du khách.

Theo anh Tậu, trung bình mỗi ngày có từ 20 - 30 khách đến vườn. Vào những ngày cuối tuần, lượt khách đến trải nghiệm và mua dâu tây đông hơn, đỉnh điểm có ngày vườn đón trên 200 lượt khách. Khách đến vườn không phải trả phí vào cổng và phí chụp ảnh mà anh chỉ bán quả dâu tây tại vườn. Giá dâu tự hái khoảng 160 nghìn đồng/kg, nếu mua sẵn giá từ 180 - 200 nghìn đồng/kg. Mô hình cũng cung cấp cây con cho khách có nhu cầu mua về trồng với giá 15 - 20 nghìn đồng/cây.

Nhờ lựa chọn đúng hướng để đầu tư, vườn dâu tây của gia đình anh Tậu trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm. Hiện, mô hình của anh đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 6 - 8 lao động tính theo ngày, tất cả đều là người địa phương. Bên cạnh đó, anh thường xuyên trao đổi với các thanh niên nhân rộng phát triển trồng dâu tây, để mọi người mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng thêm thu nhập. Anh Tậu cho biết: Để tăng trải nghiệm và phục vụ thêm nhu cầu của khách hàng, tôi dự định mở rộng diện tích, trồng thêm một số loại hoa khác như: đào, hồng, hướng dương… làm phong phú mô hình hơn nữa. Cùng với đó, cải tạo, xây mới cơ sở vật chất, đầu tư điểm dừng chân để du khách có chỗ ngồi, đầu tư khu tiểu cảnh để chụp ảnh và phục vụ dịch vụ ăn uống.

Mô hình trồng dâu tây kết hợp tham quan trải nghiệm của anh Nông Văn Tậu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một mô hình độc đáo, mới lạ được nhiều người thuộc mọi lứa tuổi yêu thích, hứa hẹn mở ra một hướng đi mới, góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Chị Lương Hà Phượng, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) và sản phẩm dầu ăn từ dầu sở phi tỏi, hành.

NÔNG NGHIỆP SẠCH, AN TOÀN

Tại huyện vùng cao Bảo Lạc, các sản phẩm từ dầu sở của chị Lương Hà Phượng, xã Thượng Hà được khá nhiều người dân, khách du lịch ưa chuộng bởi sự tiện lợi, sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hương vị thơm đặc trưng. Sản phẩm sa tế dầu sở có vị cay, nồng của ớt tươi và các gia vị tỏi, sả thơm tự nhiên không chất bảo quản. Chị Lương Hà Phượng là một trong những thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của huyện thực hiện thành công mô hình chế biến dầu sở kết hợp với nông sản địa phương.

Chị Phượng cho biết: Sở là loại cây trồng được người dân huyện Bảo Lạc trồng từ lâu, đem lại giá trị kinh tế cao. Tại xã Thượng Hà, người dân trồng hơn 100 ha sở, nhưng từ khi dịch Covid -19 bùng phát, người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ do không bán được sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, xã có nguồn nông sản đa dạng như: ớt, tỏi, sả, hành, gừng... nhưng chưa có đầu ra ổn định. Xuất phát từ thực trạng trên, cùng với giá trị dinh dưỡng dồi dào của dầu sở, tôi quyết định hiện thực hóa ý tưởng chế biến dầu sở kết hợp với nông sản địa phương thành sản phẩm hàng hóa: dầu ăn từ sở phi tỏi, hành, sa tế sở tỏi ớt sả… nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Nghĩ là làm, tháng 6/2022, chị Phượng đầu tư hơn 100 triệu đồng thử nghiệm mô hình sản xuất các sản phẩm chế biến từ dầu sở. Các nhân công của xưởng được đào tạo, bồi dưỡng về cách chế biến và bảo quản sản phẩm. Dầu thô được ép trực tiếp từ hạt, không thêm bất kỳ hương liệu gì. Chính nhờ quy trình này mà sản phẩm dầu sở đạt chất lượng tốt nhất, có màu sắc bắt mắt, mang mùi thơm đặc trưng riêng. Dầu sau khi ép được bảo quản để chế biến các sản phẩm dầu sở phi hành tỏi, sa tế sở tỏi ớt... Trong quá trình chế biến, tuân thủ chặt chẽ quy định mang đồ bảo hộ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại bã khi ép dầu sẽ được dùng làm phân bón.

Mọi hoạt động sản xuất của xưởng đều theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, nguyên chất, chất lượng, thơm ngon và đặc biệt không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất tạo mùi, màu hay chất bảo quản. Chính vì vậy, dù mới có mặt trên thị trường, nhưng các sản phẩm chế biến từ dầu sở của chị trở thành thương hiệu đặc trưng riêng có của địa phương, được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Từ tháng 6 - 10/2022, xưởng của chị sản xuất và tiêu thụ hơn 1.000 sản phẩm các loại, thu về hơn 64 triệu đồng. Các sản phẩm được bày bán tại chợ đêm Bảo Lạc; đẩy mạnh quảng bá trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Shopee, Lazada… Sản phẩm được các cửa hàng, khách sạn trong và ngoài huyện, khách du lịch đặt mua với số lượng lớn. Ngoài ra, xưởng nhận phân phối sỉ, lẻ tại các huyện khác trong tỉnh và nhận được nhiều đơn đặt hàng gửi đi các tỉnh để làm quà biếu.

Chị Phượng cho biết: Với mức giá bán ra thị trường sản phẩm dầu ăn phi tỏi, hành từ 100 - 110 nghìn đồng/chai 500 ml, sa tế 40 - 45 nghìn đồng/lọ 100 ml, khi đi vào sản xuất ổn định, xưởng có khả năng chế biến khoảng 1.000 sản phẩm/tháng, dự kiến cho thu nhập trung bình hơn 500 triệu đồng/năm. Sau khi sản xuất ổn định, tôi sẽ tiến hành hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP. Bước đầu, xưởng cung cấp các sản phẩm chế biến dầu sở tại huyện, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP sẽ triển khai cung cấp sản phẩm đến các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Trà An

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh