Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế

Chủ nhật 01/01/2023 05:00

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi. Phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, họ không ngừng lao động, sáng tạo, nuôi dưỡng ý chí, khát vọng làm giàu, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

PHÁT HUY TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

Chị Nguyễn Kim Phương, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) với Dự án "Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững gắn với nghề đan nón Tày và ghế bện rơm".

Vượt qua hơn 20 thí sinh khác, chị Nguyễn Kim Phương, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) với Dự án "Phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững gắn với nghề đan nón Tày và ghế bện rơm" đã xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng năm 2022.

Nằm giữa không gian cổ kính của làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, Tày’s Homestay của chị Phương bình dị, gần gũi. Trong tiết trời se lạnh nơi biên viễn, chị Phương chia sẻ về quá trình khởi nghiệp. Trước khi bén duyên với du lịch cộng đồng, chị đã từng làm nhiều công việc khác nhau. Năm 2018, sau chuyến tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại 2 tỉnh Hòa Bình, Bắc Kạn, chị bắt đầu nhen nhóm ý tưởng đầu tư dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay. Chị nhận thấy quê hương mình có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà sàn đá của người Tày ở Khuổi Ky như một bảo tàng thu nhỏ thể hiện đời sống sinh hoạt thường ngày, văn hóa - xã hội tộc người. Đó cũng là một yếu tố thu hút du khách thập phương muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Phương vay vốn ngân hàng, người thân để đầu tư xây dựng Tày’s Homestay trên diện tích 500 m2, bao gồm 1 nhà cộng đồng chính 2 tầng, 1 sân sinh hoạt chung. Homestay có các dịch vụ lưu trú, ăn uống, biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống (hát Then, đàn tính, nhảy sạp…); đốt lửa trại, thuê xe máy, xe đạp, thuê trang phục dân tộc, bán đặc sản địa phương, ngâm chân thảo dược, tư vấn và bán tour du lịch. Đồng thời, chị vận động bà con trong làng khôi phục nghề thủ công đan lát truyền thống, trước tiên tập trung vào bện ghế rơm và đan nón lá người Tày. Chị Phương chủ động tiếp cận với công nghệ, tăng cường quảng bá homestay qua mạng xã hội, đăng ký bán phòng trên các website Booking.com, Agoda.com… Trung bình mỗi tháng, Tày’s Homestay đón khoảng 400 lượt khách đến lưu trú, nghỉ ngơi. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước đạt khoảng 700 - 800 triệu đồng/năm. Thời gian tới, chị dự định xây thêm 4 phòng riêng khép kín, 2 phòng tắm lá thuốc, 1 phòng tập thể ngâm chân, massage nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

TỎA SÁNG PHẨM CHẤT "BỘ ĐỘI CỤ HỒ"

Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Khởi, xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (Thành phố) phát triển mô hình trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua trong nhà màng.

Từ bản lĩnh được rèn luyện trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Khởi, xóm Nam Phong 2, xã Hưng Đạo (Thành phố) tiếp tục trở thành tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế. Với ông, làm kinh tế không chỉ là làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định tinh thần, ý chí người lính Cụ Hồ.

Nhập ngũ năm 1975, đến năm 1981, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Khởi chuyển ngành sang làm công nhân bưu điện. Sau 10 năm công tác, ông Khởi quyết định trở về nhà, tìm hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ông luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để cải thiện kinh tế gia đình, khai thác tối đa lợi thế, điều kiện tự nhiên ở địa phương. Hai vợ chồng ông miệt mài san ủi, cải tạo mặt bằng, chuyển đổi diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Thấy cây gì đang rộ, nhiều người trồng thì ông đều trồng thử. Hết cam, quýt lại đến mận tam hoa, mận hậu, vải thiều. Cứ trồng được vài năm không thấy khả quan, không hợp khí hậu, thổ nhưỡng, ông phá đi trồng lại cây khác. Ý chí quyết tâm của người lính khiến ông luôn tự nhủ bản thân không được phép sờn lòng, nản chí. Năm 2000, ông lấy giống cây thanh long về trồng thử, thấy mọc tốt nên trồng 50 trụ. Ông tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng trước và tiếp thu kỹ thuật qua sách báo, Internet nên cây thanh long sinh trưởng rất tốt. Diện tích trồng thanh long cứ thế được mở rộng qua từng năm. Có thời điểm ông trồng gần 1.000 trụ thanh long ruột trắng, đỏ; mỗi năm thu khoảng 10 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng.

Năm 2017, tìm hiểu thấy mô hình trồng dưa trong nhà màng theo công nghệ Israel đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt bán tự động để trồng dưa. Năm 2017 - 2018, ông trồng thử giống dưa hấu miền Nam cho năng suất cao, vị ngọt nên được nhiều khách hàng yêu thích, thương lái đến vườn mua. Năm 2019, ông chuyển sang trồng dưa lê Cẩm Ngọc, dưa lưới Hàn Quốc. Từ 1.500 m2 ban đầu, đến nay gia đình ông có khoảng 3.000 m2 nhà màng chuyên trồng các loại dưa lưới, dưa lê, cà chua, trái cây… Do áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, chất lượng đảm bảo nên sản phẩm nông nghiệp của gia đình được các siêu thị, cửa hàng hoa quả đặt mua từ khi chưa đến vụ thu quả. Nhiều người còn mua làm quà gửi cho bạn bè, người thân ở các tỉnh khác. Ngoài ra, ông Khởi phát triển thêm mô hình trồng đào cảnh, trồng rừng, chăn nuôi lợn… tổng thu nhập hằng năm hơn 300 triệu đồng.

LAN TỎA HÌNH MẪU NÔNG DÂN THỜI ĐẠI MỚI

Mô hình lò ấp trứng nhân giống gia cầm mang lại cho gia đình anh Hoàng Văn Bé, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà (Hà Quảng) nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình anh Hoàng Văn Bé, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà (Hà Quảng) được nhiều người biết đến là một địa chỉ đầu mối chuyên ấp trứng và cung cấp con giống gia cầm. Đây là nghề đã giúp cho gia đình anh cùng nhiều hộ nông dân nơi đây giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đến thăm cơ sở ấp trứng nhân giống gia cầm của gia đình anh Bé, bất cứ lúc nào cũng bắt gặp hình ảnh đàn vịt con vừa mới được ấp nở, những khay trứng vịt đang được đưa vào lò cùng nhiều thương lái từ trong và ngoài huyện đến mua con giống, vận chuyển đi tiêu thụ. Vốn xuất thân trong gia đình thuần nông nghèo, đông anh em, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của anh đối mặt với nhiều khó khăn. Được bố mẹ chia cho 1.000 m2 đất, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, có nguồn nước sạch, anh bắt tay vào đào ao thả cá, chăn nuôi vịt. Nhận thấy giá trị kinh tế của việc nuôi vịt đẻ trứng, năm 2015, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mô hình nuôi vịt sinh sản quy mô lớn. Khu vực chuồng nuôi được xây dựng thông thoáng, đặt cạnh ao, vừa giúp tránh nóng trong những ngày hè, vừa là nơi vịt bơi lội, tắm mát. Gia đình anh được hỗ trợ đầu tư máy móc, trang thiết bị và chuyển giao khoa học kỹ thuật chuyên ấp nở gia cầm theo Dự án xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới miền núi phía Bắc năm 2015 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ có hệ thống lò ấp hiện đại, máy tự động đảo trứng và chỉnh nhiệt độ theo từng giai đoạn ấp nên tỷ lệ vịt con nở cao hơn.

Hiện trang trại của gia đình anh nuôi từ 600 - 700 con vịt đẻ trứng, mỗi ngày thu trên 300 quả trứng. Trung bình 5 ngày anh bán hơn 1.000 con giống, tháng 3, 4 âm lịch hằng năm, trang trại tấp nập khách đến chọn mua con giống để nuôi bán rằm tháng Bảy. Không chỉ bán trứng và con giống, anh còn đa dạng hóa sản phẩm để đưa ra thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Trừ chi phí, bình quân gia đình anh thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Linh An

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh