|
Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia.
|
Trong những năm qua, các đơn vị BĐBP tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa chính trị và tính nhân văn sâu sắc của Chương trình "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn biên phòng" trên các phương tiện thông tin đại chúng và cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân trên địa bàn, góp phần lan tỏa sâu rộng, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó quân dân. Trên cơ sở đó, vận động các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực vật chất và trực tiếp tham gia đỡ đầu một số cháu trong Chương trình "Nâng bước em tới trường". Đối với các em học sinh, đây là chỗ dựa tinh thần, nền tảng cơ bản để các em có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, trở thành người có ích cho xã hội, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.
Khi nhận giúp đỡ, các đơn vị tổ chức ký cam kết giữa 3 bên: gia đình, nhà trường và đơn vị; lập hồ sơ theo dõi, phối hợp với nhà trường nắm tình hình học tập của các em. Từ năm 2017, các đơn vị trong BĐBP nhận giúp đỡ 82 học sinh hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, mức hỗ trợ từ 500 nghìn đồng/học sinh/tháng trở lên (đến khi đủ 18 tuổi), đặc biệt có 4 học sinh được nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trực tiếp tại 2 đồn biên phòng Tổng Cọt, Xuân Trường. Nguồn kinh phí trích từ tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động các nguồn tài trợ bên ngoài đơn vị. Các đơn vị trong BĐBP, các thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ với tổng số tiền trao tặng trên 3 tỷ đồng; ngoài ra, các đơn vị đóng góp hỗ trợ mua xe đạp, dụng cụ học tập, quần áo mới vào đầu năm học mới cho các em...
Triển khai mô hình "Con nuôi đồn biên phòng", năm 2022, BĐBP nhận nuôi 31 cháu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi trên địa bàn biên giới. Nguồn kinh phí chăm lo, hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu học sinh do cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp và trích từ quỹ tăng gia, sản xuất của các đơn vị. Ngoài việc quan tâm bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập cho các con nuôi, các đồn biên phòng vận động các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ, tặng quà, mua quần áo, đồ dùng sinh hoạt, học tập với số tiền trên 470 triệu đồng, đảm bảo vật chất sinh hoạt, đồ dùng học tập, quần, áo... cho các cháu.
Từ chương trình này, nhiều em thi đỗ vào đại học, cao đẳng, mở ra một tương lai tươi sáng. Các em như những mầm xanh được vun trồng, chăm sóc tốt sẽ trở thành cây cao lớn khỏe mạnh, tỏa bóng rợp cả khu rừng, sẽ tràn đầy lý tưởng, hoài bão, nhiệt thành cống hiến cho xã hội; tiếp bước các cha, các chú BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Em Đàm Thúy Mai, dân tộc Nùng, thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa), con nuôi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng đã chạm tay vào ước mơ trở thành sinh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông nhờ sự chung tay giúp đỡ của các chú BĐBP và những tấm lòng vàng. Mai chia sẻ: Nhà em rất khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không thể tiếp tục theo học, nhưng các chú BĐBP đã tiếp sức cho em có ngày hôm nay. Em cảm ơn các chú nhiều lắm, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công các chú.
Theo Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, đến nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai Dự án "Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường" nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là chủ trương kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự tri ân bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đối với đồng bào các dân tộc nơi biên giới. Chương trình sẽ trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ cho các học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân có ích cho xã hội bằng nguồn kinh phí được cán bộ, chiến sĩ quân đội tiết kiệm từ lương, phụ cấp. Triển khai dự án, BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các bước khảo sát chặt chẽ, lập danh sách các cháu trong dự án để theo dõi, khớp nối các vật chất được quan tâm hỗ trợ; hằng năm báo cáo kết quả tu dưỡng, học tập của các cháu, từ đó định hướng giúp các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi và công dân tốt...