Bạn đang xem: Trang chủ » Ký - Phóng sự

Sông Hiến Xưa và nay

Thứ năm 08/12/2022 06:11

Trong cuộc đời, ai cũng có kỷ niệm về một dòng sông của tuổi thơ. Tôi cũng vậy, dòng sông Hiến vốn dĩ đã gắn với tuổi thơ tôi từ những ngày còn cưỡi trên lưng trâu, những buổi trưa hè nắng chói chang, chị em tôi trốn bố mẹ ra sông Hiến chập chững học bơi, có lần suýt bị đuối nước… Rồi những ngày rủ nhau đi câu cá bỗng, cá trạch bên các tảng đá ven bờ sông, mò những chú ốc bám lô nhô trên đá… mấy mươi năm trôi đi như một giấc mơ. Những ngày thu nắng trong veo, tôi có dịp trở về ngọn nguồn sông Hiến - nơi quê ngoại của tôi ở mạn Quang Trọng - Minh Khai, bao ký ức xốn xang ùa về.

Dòng sông Hiến chảy qua thành phố Cao Bằng. Ảnh: thế Vĩnh

Dòng sông Hiến (người Tày gọi là Tả Diển), bắt nguồn từ vùng núi Khau Vài, chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc có độ cao 1.200 m. Sông Hiến, nguyên là sông Quang Thành (Nguyên Bình) chảy ra phía đèo Tài Hồ Sìn, qua xã Quang Trọng, Minh Khai, chảy ra Canh Tân, Cốc Mười (Thạch An), sông men theo những chân rừng tít tắp, hun hút sâu ra Tân An (bờ Nam thuộc phường Tân Giang, bờ Bắc thuộc phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng), cuối cùng sông Hiến hợp vào bờ phải sông Bằng Giang, tại khu vực phố Nước Giáp (còn gọi là khu ngã ba sông) thuộc phường Hợp Giang (Thành phố), được gọi là sông Bằng Giang từ đây.

Sông Hiến dài khoảng 62 km. Diện tích lưu vực 930 km², độ cao trung bình 526 m, độ dốc trung bình 26,8%, mật độ sông, suối 0,98 km/km². Tổng lượng nước 0,56 km³, tương ứng với lưu lượng nước trung bình 17,8 m3/s, môđun dòng chảy năm là 19,1 l/s.km². Vì vậy, sông Hiến là một sông phụ lưu của sông Bằng. Hệ thống sông Hiến chủ yếu nằm trên địa phận của tỉnh Cao Bằng, một phần nhỏ đổ về huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).

SÔNG HIẾN XƯA

Từ những thập niên 70 - 80, đường về quê ngoại của tôi từ Thị xã vào Minh Khai đi bộ cả ngày đường. Kỳ nghỉ hè, tôi ngóng đợi mãi, mẹ cho tôi theo về quê ngoại thăm ông bà, họ hàng. Háo hức lắm, vì đường xa, còn nhỏ nên tôi đã biết quê ông bà ngoại ở phương nào đâu? Chỉ nghe mẹ nói là đi từ tờ mờ sáng, đến khi không nhìn thấy mặt người mới tới nơi. Mẹ kể trong quê ngoại cả bản toàn nhà sàn, ở dưới bờ sông Tả Diển (sông Hiến) có rất nhiều cối giã gạo bằng nước, cứ ụp xòa cả ngày lẫn đêm, mỗi tối người ta đổ thóc xuống cối, sáng sớm hôm sau chỉ việc ra xúc gạo lẫn cám đem về sàng sảy. Nghe mẹ kể, chúng tôi phấn khích lắm vì ngoài Thị xã lấy đâu ra cối giã gạo bằng sức nước như thế? "Nước chảy vào đâu để cối giã gạo được à mẹ?". Tôi vừa đi đường vừa hỏi mẹ. "À, người ta chặt một thân cây to rồi đục thành cái máng đựng nước, đầu cây kia nhỏ hơn, người ta đục lỗ để gắn một chiếc chày to thế này (mẹ đặt tay vào cổ chân), cứ thế máng hứng đầy nước là nó tự đổ ụp… Nghe mẹ kể chúng tôi tít mắt cười, chỉ mong sớm đến nơi để xem cối giã gạo.

Ngày ấy, ngược lên thượng nguồn sông Hiến - theo đường Tân An (nay thuộc phường Tân Giang) vào mạn Canh Tân - Minh Khai, chỉ là con đường nhỏ gồ ghề, đèo dốc tức, dài rất quanh co; người dân đi lại chủ yếu là đi bộ, đi xe đạp (người ta thường buộc một cành cây to sau yên xe đạp, để hỗ trợ phanh xe khi xuống dốc) còn ô tô hầu như không thể đi lại được vì đường hẹp, cua dốc, con đường chỉ là vệt mòn, men theo những cánh rừng chẹo, rừng sau sau rậm rạp, phía dưới vực sâu thăm thẳm thấp thoáng hiện ra dòng sông Hiến hoang sơ, biêng biếc như dải lụa mềm, uốn khúc quanh co dưới những vòm cây xòe rộng tán đôi bờ sông.

Chính vì đường sá đi lại khó khăn như vậy nên đồng bào ở vùng thượng nguồn sông Hiến (Quang Trọng, Tài Hồ Sìn, Minh Khai) thường lợi dụng dòng chảy sông Hiến để vận chuyển nông, lâm sản như: tre, nứa, vầu, gỗ, lá dong, dược liệu… ra ngoài Thị xã bán. Nơi tập kết các bè mảng nông sản ở ngay ven sông, dưới chân Pháo đài cũ (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Ngày ấy, cậu tôi cũng là một trong số những người xuôi bè mảng chở nông, lâm sản ra ngoài Thị xã. Cậu kể: Nếu như mùa hè, nước sông Hiến về nhiều thì chỉ xuôi bè 3 - 4 ngày là ra tới Thị xã, còn mùa nước cạn thì chật vật từ 7 - 8 ngày mới ra tới nơi. "Lúc xuôi bè chỗ nước chảy thì đi nhẹ lắm, thích lắm, nhưng khi chuẩn bị vào những khúc cua của dòng nước phải cắm sào thật chắc, thật vững, thật chính xác, lấy đà để chiếc mảng đi giữa dòng chảy, nếu không mảng sẽ đâm vào bờ, vào đá tan tành…".

Sông Hiến cứ xanh trong, mướt mát, đem lại cho đồng bào hai bên bờ những vụ ngô, lúa bội thu, cho những đứa trẻ thỏa sức bơi lặn, mò cua, bắt ốc những ngày hè oi nóng, những cô thôn nữ gội đầu soi bóng xuống mặt nước trong như gương, những chiếc cối giã gạo cần mẫn ụp xòa đổ nước đêm ngày…

Đến thập niên 90, nơi lưu vực sông Hiến diễn ra nhiều hành vi khai thác vàng, cát, sỏi, đặc biệt là khai thác vàng sa khoáng. Không hiểu từ đâu người dân thập phương kéo về mạn Quang Trọng, Canh Tân - Minh Khai ồ ạt đào đãi vàng, thôi thì đào thủ công lẫn đào công nghiệp, các chủ bưởng dùng cả máy xúc EKG cỡ lớn để đào lòng sông, thậm chí ruộng, nương của người dân vùng Minh Khai cũng bị đào, xúc tơi tả, biến những thửa ruộng bậc thang xanh mướt thành những ao, hồ, đất, đá chất như núi.

Khu vực Quang Trọng, Minh Khai ngày ấy người ta khai thác được khá nhiều vàng sa khoáng, các chủ bưởng thu về mỗi ngày tính bằng cây! Người đào đãi thủ công cũng đãi được cả chỉ vàng. Do vậy dòng sông Hiến bị ô nhiễm nặng nề, có độ đục gấp 400 lần cho phép và nhãn tiền, hiểm họa nhiễm độc thủy ngân, cyanide do khai thác vàng công nghiệp. Nguồn nước sông Hiến là một trong hai nguồn nước chủ yếu để Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Cao Bằng xử lý sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho dân Thành phố. Sông Hiến đang thơ mộng, xanh biếc đẹp như bức tranh bỗng trở thành dòng sông chết. Dòng chảy bị lấp cạn kiệt, có chỗ người ta chỉ cần bước qua như một cái rãnh nhỏ! Bùn đất đỏ quạch lấp kín sông! Mùa nối mùa, dòng sông ngầu đục, con nước gần như ngừng trôi. Sau nhiều năm, tỉnh vào cuộc quyết liệt chỉ đạo ngăn chặn các hành vi khai thác vàng, cát, sỏi trái phép… Đến những năm 2000, các nhóm người đào đãi vàng tự phát ấy mới bị ngăn chặn triệt để.

SÔNG HIẾN NGÀY NAY

Mùa thu, ngược dòng sông Hiến. Đi trên con đường rộng trải nhựa phẳng lỳ từ Thành phố đến Minh Khai (quê ngoại tôi) hết một giờ đi xe máy, ngày chợ phiên ở Nà Kẻ (Minh Khai) hay chợ Canh Tân, ô tô chở hàng vào tấp nập, bây giờ người ta không còn mạo hiểm lợi dụng dòng chảy sông Hiến để vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, người dân cũng không khai thác rừng bừa bãi, họ đã có ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn. Dọc theo triền sông mới thấy lại được vẻ đẹp xa xưa, con nước màu lam hiền hòa, ẩn hiện dưới những vòm cây lòa xòa hai bên bờ, phía thượng nguồn - nơi cách đây hơn hai thập kỷ còn là dòng sông chết do khai thác vàng trái phép, bây giờ dòng sông được trả lại vẻ đẹp tự nhiên của nó! Những đám ruộng bậc thang ven sông Hiến, ở vùng Minh Khai, Quang Trọng cũng được trả lại nguyên trạng ban đầu. Mùa này, lúa đang thì con gái, mơn mởn xanh dưới nắng thu óng vàng. Những năm 1980 về quê ngoại, tôi thường phải lội qua hai lần sông vì không có cầu, nay ở Canh Tân đã xây cầu bê tông vững chãi. Còn bến sông để sang bên bản Nà Đoỏng của ông bà ngoại tôi ở Minh Khai được bắc một cây cầu treo khá kiên cố, ô tô trọng tải từ dưới 2 tấn có thể qua lại được. Mùa mưa lũ hay mùa nước cạn, trẻ nhỏ tung tăng cắp sách đến trường mà không cần phải có người lớn cõng hay chở mảng qua sông. Bên bờ sông cũng không còn những cối giã gạo ụp xòa bằng sức nước như xưa, bởi vì thời đại công nghiệp hóa, nhiều hộ gia đình đã mua máy xay xát.

Ở khu vực Thành phố, dọc đôi bờ sông Hiến, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, hai bên bờ sông được xây kè thành con đường tản bộ mỗi sớm chiều của người dân, ban đêm ánh điện như sao sa nhấp nháy nơi đáy nước. Dòng sông Hiến cứ lững lờ xuôi đi giấc mơ ngàn đời, cung cấp cho con người nguồn nước sạch, mỗi mùa lũ về, sông lại bồi đắp phù sa cho những thửa ruộng, những mảnh vườn ven sông thêm tươi tốt. Đồng thời cũng là nguồn cung cấp tôm, cua, cá dồi dào cho nhân dân.

Để dòng sông Hiến mãi trong xanh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, không xả nước thải bừa bãi, xả rác ra sông, không vứt xác chết gia súc, gia cầm xuống sông để giữ cho dòng chảy của sông Hiến luôn xanh, sạch, đẹp và là nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân Thành phố.

Tôi cảm nhận về dòng sông Hiến qua bài thơ "Sông Hiến": Nước xanh trong/Âm thầm chảy/Không gợn mây/Không sợi nắng/Lũ cá nhỏ thong dong ngược dòng/Bờ lau thưa đợi gió/Gờ đá nhỏ đợi mưa/Con gái Tày chân trần nõn chuối/Thả xuống mặt sông câu hát đợi ai/Sông Hiến/Hiền như mắt nai/Tươi như sương sớm/Ôm vào lòng/Câu hát/Chiều nay.

Đoàn Ngọc Minh

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh