|
Chị Võ Thị Hoài Thu miệt mài với nghề sửa chữa quần áo.
|
Với gian hàng chỉ vẻn vẹn chưa tới 4 m2 tại chợ Xanh, hằng ngày, chị Võ Thị Hoài Thu vẫn miệt mài với công việc của người thợ sửa chữa quần áo. Chị Thu cho biết: Làm nghề sửa quần áo tiền công không đáng là bao. Nếu chỉ là may lại các đường may ở quần áo mua chợ hay thay khóa áo, quần, lên gấu... giá chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng/cái. Còn nếu thu hẹp hay nới rộng vòng eo của áo, váy, sửa các chi tiết khó và mất nhiều thời gian thì giá dao động từ 20 - 30 nghìn đồng/cái. Vì là nghề "lấy công làm lãi" nên mỗi ngày tôi túc tắc làm từ sáng sớm đến tối muộn mới nghỉ. Ngày đông khách bù ngày vắng khách, bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Chị Thu chia sẻ thêm, làm nghề gì cũng phải tận tâm, chu đáo và giữ uy tín mới lâu bền được. May đồ mới đã khó, sửa đồ để vừa ý khách còn khó hơn. Cũng như nghề thợ may, nghề sửa quần áo đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì và biết chiều ý khách. Để áo, quần của khách sau khi sửa được đẹp, người thợ cần có cả kiến thức về thời trang, may mặc để tư vấn thêm cho khách hàng. Với những quần áo đắt tiền, tôi rất thận trọng, có khi cả ngày mới sửa được một cái.
Ngoài 50 tuổi có thâm niên 30 năm trong nghề sửa quần áo, chị Hoàng Thị Hà, thợ sửa quần áo tại chợ Xanh (Thành phố) chia sẻ: Trước đây, tôi là một thợ may và đi cắt may ở nhiều nơi. Sau này, khi nghề may không còn thịnh hành như trước, cộng với tuổi khá cao, mắt kém, tôi quyết định bỏ nghề may và thuê gian hàng ở chợ Xanh để mưu sinh bằng nghề sửa chữa quần áo. Vốn tính kiên nhẫn, cẩn thận, lại có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề may nên tôi có khá nhiều khách hàng quen, họ giới thiệu truyền nhau nên suốt 30 năm trong nghề, chưa có ngày nào tôi hết việc. Hơn nữa, khách hàng đi chợ đông, nhiều người đến chợ mua quần áo rồi mang xuống nhờ tôi may lại đường chỉ, cắt gấu hay chỉnh sửa cho vừa người, chắc chắn hơn.
Trò chuyện với chị Thu, chị Hà, được biết, nghề sửa chữa quần áo chẳng khác gì "làm dâu trăm họ". Dù đã làm lâu năm và có nhiều kinh nghiệm nhưng người thợ vẫn không thể tránh khỏi những sai sót. Có khách hàng dễ tính thì thông cảm và đề nghị các chị sửa lại theo ý nhưng cũng có không ít khách hàng kỹ tính, đến mặc thử không như ý là họ tỏ thái độ ngay, nhiều người đến ngày hẹn lấy đồ mà thợ chưa kịp làm xong là họ mang đồ đi quán khác. Tuy nhiên, mỗi khi có sai sót, dù lỗi do thợ sửa hay do khách thì người thợ cũng phải khéo léo, nhẹ nhàng giải thích với khách hàng. Có những khách hàng mang đồ rất cũ đến sửa, dù tốn rất nhiều công tháo, cắt và chắp vá nhưng không nỡ lấy tiền công, đã yêu nghề và xác định gắn bó với công việc này thì người thợ vẫn niềm nở nhận làm, không bao giờ từ chối yêu cầu của khách hàng. Có như vậy mới giữ được uy tín và làm nghề được lâu dài.
Nói đến nghề sửa chữa quần áo, mọi người thường chỉ nghĩ là sửa chữa quần áo cũ. Thế nhưng bây giờ, khi các mặt hàng thời trang ngày càng phát triển thì lượng khách hàng đi mua đồ mới rồi chỉnh sửa tại các tiệm sửa chữa quần áo ngày một đông hơn, đó cũng là lý do khiến chị Thu, chị Hà cũng như nhiều thợ sửa chữa áo quần khác không mở quán sửa quần áo tại nhà mà chọn thuê gian hàng nhỏ trong chợ để làm nghề. Hiện nay, ở khu vực chợ Xanh có khoảng 10 người làm nghề sửa chữa quần áo như chị Thu, chị Hà. Mỗi người tìm cho mình một vị trí thuận tiện để hành nghề, người thì thuê gian hàng trong chợ để ngồi, người thì tận dụng vị trí nhà ở mặt đường để mở quán.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của các mặt hàng thời trang, nghề sửa chữa quần áo cũng được nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Lặng lẽ một góc phố, bên chiếc máy may, mỗi ngày những người thợ sửa quần áo vẫn say sưa, miệt mài làm đẹp cho nhiều người bằng trách nhiệm, tình yêu với công việc, góp phần tạo nên một nét văn hóa đặc trưng bình dị giữa cuộc sống nhộn nhịp nơi phố thị.