Bạn đang xem: Trang chủ » Ký - Phóng sự

Nam Cao còn nhiều khó khăn

Thứ hai 26/12/2022 05:00

Nam Cao là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm. Phần lớn các xóm chưa có điện lưới quốc gia, giao thông chia cắt bởi địa hình núi cao, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên… Vì vậy, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Đường lên xóm Phja Cò, xã Nam Cao (Bảo Lâm) rất khó khăn, hiểm trở, trời mưa không đi lại được.

Nằm cách trung tâm huyện 27 km, Nam Cao là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện với hơn một nửa số hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xã có 10 xóm, 787 hộ/4.327 nhân khẩu, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ… Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đồi núi chia cắt, độ dốc cao, đất dễ bị rửa trôi, bạc màu nên kinh tế nông nghiệp rất khó phát triển; giao thông khó khăn, nhất là đường liên xóm; thiếu nhiều hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu phát triển KT - XH của địa phương.

Điển hình như xóm vùng cao Phja Cò đi lại khó khăn nhất của xã. Xóm có 173 hộ, hơn 700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên đỉnh núi cao. Đồng chí Giàng Súa Dính, Bí thư Chi bộ xóm Phja Cò chia sẻ: Ở đây, bà con chủ yếu canh tác ngô, lúa nương nhưng năng suất, sản lượng không cao vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa. Từ trung tâm xã muốn đến Phja Cò phải đi xe máy hơn 2 giờ qua con đường trơn trượt, treo leo, lởm chởm đá, trời mưa chỉ có thể đi bộ nên cuộc sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Toàn xóm còn trên 70% hộ nghèo, dân chưa được sử dụng điện. Vì vậy, người dân Phja Cò mong muốn Nhà nước sớm đầu tư đường điện và hỗ trợ xi măng làm đường bê tông để người dân lại thuận tiện.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cao Nguyễn Văn Lậm cho biết: Hiện nay, hầu hết các xóm vùng đồng của xã có đường ô tô đến trung tâm xóm. Nhưng ở các xóm vùng cao như Phja Cò, Phja Liềng, Nà Nhồm chưa được đầu tư, đường vào xóm chỉ là đường đất, đường mòn nhỏ hẹp, xe máy chỉ đi lại được khi thời tiết khô ráo. Xã mới có 5/10 xóm được sử dụng điện lưới quốc gia, 5 xóm còn lại chưa có điện sinh hoạt nên ảnh hưởng lớn đến đời sống, phát triển KT - XH của địa phương. Bên cạnh đó, do địa hình dốc, núi đá, diện tích canh tác ít và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên người dân ở đây chỉ trồng được đỗ tương, lúa nương, ngô rẫy, năng suất, sản lượng không cao. Hằng năm, nhiều hộ thiếu ăn từ 2 - 4 tháng, phải trông chờ từ hỗ trợ cứu đói của Nhà nước.

Để giúp người dân khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án, xã hỗ trợ cây, con giống; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; vận động người dân xây dựng mô hình trồng sả java, trồng hồi để trưng cất tinh dầu, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo… bước đầu đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, các mô hình chủ yếu phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên sản xuất chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ trồng ngô, lúa giống mới chỉ đạt từ 20 - 50%/vụ. Tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 1.500 tấn, thu nhập bình quân mới đạt 8 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, tuy toàn xã giảm được 39 hộ nghèo, nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 15,5%, hộ cận nghèo chiếm 40,53%. Xã mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới.

Xã tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng hạ tầng cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các cây trồng thế mạnh; nâng cao ý thức tự lực, vươn lên thoát nghèo của người dân. 
       
 

 

Hoài An

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh