Bạn đang xem: Trang chủ » Ký - Phóng sự

Kỷ niệm Tết ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng

Thứ năm 02/02/2023 13:08

Cứ mỗi lần Tết đến, được đón giao thừa trong khung cảnh đất nước thanh bình, những cựu chiến binh lại nhớ về những cái Tết ở chiến trường năm xưa. Trong 4 năm đón Tết ở chiến trường miền Nam, có 2 cái Tết là tôi nhớ nhất, đó là Tết Mậu Thân năm 1968 và Tết Kỷ Dậu năm 1969.

TẾT MẬU THÂN NĂM 1968

Khoảng giữa tháng 1/1967 (tháng 12 âm lịch), toàn trung đoàn được lệnh hành quân đến một khu rừng tiếp giáp giữa 2 huyện Quế Sơn, Duy Xuyên (gọi là rừng Hòa Bình). Tại đây, chúng tôi được học tập chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Phòng Chính trị trung đoàn cử chúng tôi đến các đơn vị để phổ biến về công tác dân vận, địch vận, khi tiếp quản thành phố thì như thế nào?... Khi đến các đơn vị phổ biến tinh thần đó, tôi thấy khí thế háo hức được ra mặt trận để đánh giặc của các đơn vị lên rất cao.

Ngày 25/1/1967, thủ trưởng Bùi Huyên; Chính ủy, thủ trưởng Lịch - Chủ nhiệm Phòng Chính trị trung đoàn (người quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); thủ trưởng Nguyễn Văn Chữ, Phó Chủ nhiệm tập trung toàn cơ quan đến để phổ biến nhiệm vụ. Chúng tôi rất phấn khởi, trung đoàn được nhận nhiệm vụ đánh và giải phóng quận Duy Xuyên, phối hợp với 2 tiểu đoàn biệt động thành phố đánh vào thành phố Đà Nẵng.

Ngày 28 cơ quan phòng chính trị trung đoàn tổ chức ăn Tết, bộ phận anh nuôi đã chuẩn bị cho chúng tôi ăn một cái Tết có đầy đủ bánh tét, thịt lợn, bánh kẹo. Cùng ăn Tết với chúng tôi có nhà văn Nguyễn Trung Thành (tức nhà văn Nguyên Ngọc), Nguyễn Chí Trung - nhà báo miền Trung Trung Bộ, họa sĩ Quang Thọ, nhà nghiên cứu văn học Như Cảnh, các anh sẽ hành quân cùng cơ quan trong suốt chiến dịch. Thủ trưởng Nguyễn Văn Chữ quán triệt nhiệm vụ cụ thể một lần nữa, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận và ký tên vào lá cờ truyền thống của trung đoàn để thể hiện rõ quyết tâm của mình.

Đúng 2h20’ ngày 31/1/1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân), đạn pháo của ta bắn cấp tập vào sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), chính thức phát lệnh Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cho toàn Quân khu 5. Lực lượng bộ binh trung đoàn triển khai đội hình chiến đấu, nhanh chóng đánh chiếm và làm chủ quận Duy Xuyên. Ở trên cao quan sát thấy pháo của ta bắn vào thành phố Đà Nẵng, nhìn những ánh lửa chớp lên liên tục trên các căn cứ của giặc, chúng tôi sung sướng vô cùng. Sáng mùng 1 Tết, cơ quan cử một tổ vào trung tâm quận Duy Xuyên vừa mới giải phóng, chúng tôi dùng loa pin thông báo cho đồng bào là: Quận huyện Duy Xuyên đã hoàn toàn được giải phóng và công bố danh sách Ủy ban quân quản của quận lỵ. Làm xong công việc này chúng tôi lại cấp tốc hành quân để theo kịp đơn vị.

Cơ quan liên tục hành quân bám sát các đơn vị chiến đấu, trung đoàn vượt sông Thu Bồn, chiếm Thanh Quýt, Điện Bàn, tiến công vào Đà Nẵng ở phía Nam sông Cẩm Lệ. Do phải 8 lần vượt sông Thu Bồn, địch tăng cường dùng máy bay khống chế các đoạn sông, trung đoàn không đánh được vào thành phố Đà Nẵng, phải rút ra đánh địch ở khu vực xung quanh. Chúng tôi có một nỗi buồn vì có lỗi hẹn với hai tiểu đoàn biệt động và người dân ở Đà Nẵng. Khi rút qua cầu Lỗ Giáng, tôi có cảm giác giống như các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô Hà Nội năm xưa khi tạm thời rút khỏi thủ đô để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau tổng tiến công Mậu Thân, trung đoàn rút về vùng núi, nông thôn ở các huyện: Trà My, Hiệp Đức, Đại Lộc, Tiên Phước... để chỉnh huấn, học tập củng cố lực lượng chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, đó là đánh cứ điểm Khâm Đức. Trong 2 ngày 9 - 10/5/1968, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Ngok Ta Vat và 2 ngày sau đó, đơn vị phối hợp với trung đoàn 21 giải phóng hoàn toàn trại quân sự Khâm Đức nằm trên đường 14.

TẾT KỶ DẬU 1969

Tháng 12/1968, đơn vị tôi đóng quân ở khu rừng gọi là núi Ben ở Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (lúc này tôi được trung đoàn điều làm Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 90). Để chuẩn bị cho bộ đội ăn Tết, đại đội tôi cử mỗi tiểu đội 2 người đến vùng đồng bằng lấy gạo và các loại thực phẩm khác cho đơn vị.

Để ngăn chặn quân và dân ta đánh vào các huyện, thành phố như Tết Mậu Thân năm 1968, địch mở cuộc hành quân chặn chốt ở các cửa rừng, đánh chiếm vào các hậu cứ của ta.

Sống ở trong rừng sâu, vừa lo đói, vừa lo đề phòng chống lại bọn giặc đi càn quét lùng sục. Bọn địch dùng mọi thủ đoạn tâm lý hòng lung lạc tinh thần chiến đấu của bộ đội ta, nhưng chúng tôi không một ai nao núng, vẫn lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi của quân ta.

Đúng đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, thỉnh thoảng lại rộ lên một loạt pháo bầy của địch bắn vào những tọa độ đã định sẵn. Để động viên chiến sĩ, ngay từ đầu, trước khi ăn "bữa cơm tất niên" (có cơm độn với sắn), chỉ huy đại đội mời chiến sĩ đúng giao thừa đến tập trung tại hầm chỉ huy để nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết (đại đội có 1 chiếc đài Ri-ông-tông do đồng chí Giới - Chính trị viên quản lý, sử dụng). Tuy chẳng có bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia nhưng chúng tôi vẫn háo hức chờ đợi. Giây phút thiêng liêng nhất đã tới, cũng trong màn đêm dày đặc, gần trăm con người nghiêm trang ngồi quanh chiếc radiô nghe Bác Hồ đọc thơ: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc, Nam sum họp, xuân nào vui hơn!".

Hai hôm sau, bộ phận đi xuống lấy gạo đã luồn lách, tránh địch về đến đơn vị. Chúng tôi lại gấp rút hành quân ra vùng giáp ranh để chuẩn bị cho trận đánh mới.

Đến nay đã hơn 50 năm Bác đi xa, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chúng ta không còn được nghe thơ chúc Tết của Bác, vì vậy cứ mỗi lần đón mừng năm mới, tôi lại nhớ đến Bác Hồ, nhớ cái Tết mùa xuân năm Kỷ Dậu (1969) tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, mảnh đất "trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ".

Nguyễn Hoán

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh