|
Thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) khởi sắc.
|
Những ngày cuối năm, chúng tôi háo hức đến với Bảo Lâm. Sau chặng đường dài hơn 180 km, thị trấn Pác Mjầu hiện ra trước mắt chúng tôi. Đây cũng là trung tâm của huyện lỵ Bảo Lâm, nằm giữa các dãy núi cao trập trùng, xen lẫn những khu ruộng bậc thang, dòng sông Gâm chạy dọc theo thị trấn như điểm nhấn trong bức tranh phố thị. Huyện Bảo Lâm giờ đây đang từng bước trở thành trung tâm kết nối vùng du lịch của các huyện Bảo Lạc, Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Mê, Mèo Vạc (Hà Giang), tạo đà cho địa phương đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh chia sẻ: Đời sống của đa số người dân ở đây còn nhiều khó khăn, nhất là một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Đảng bộ, chính quyền huyện Bảo Lâm luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao nói chung, trong đó có các xã thuộc diện khó khăn nhằm cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các chương trình, dự án, nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đồng bào vươn lên vượt khó.
Kết thúc năm 2022, diện tích các cây trồng và tổng sản lượng lương thực đều đạt trên 100% kế hoạch. Trong đó, khẩu hom Bảo Lâm được đánh giá là loại gạo ngon nhất, vì vậy năm 2022 huyện thực hiện mô hình khẩu hom được 4.000 m2 tại 4 xóm thuộc 4 xã: Thái Học, Thái Sơn, Vĩnh Phong, Nam Cao, giá bán trên thị trường 25 nghìn đồng/kg. Khẩu hom Bảo Lâm được coi là cây trồng hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho bà con trên địa bàn. Cây ngô nơi đây cũng được đồng bào trồng mỗi năm gần 6.000 ha và nhiều cây trồng khác như: đỗ tương, lạc, mận máu, lê vàng, hồng không hạt đều đạt và vượt kế hoạch giao. Chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nông hộ; huyện thành lập mới 7 nhóm sở thích trong phát triển chăn nuôi. Toàn huyện hiện có 8.100 con trâu, 34.500 con bò, 56.000 con lợn...
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 165% kế hoạch, các hoạt động thương mại và dịch vụ ổn định, hàng hóa thiết yếu lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn hàng cung ứng đầy đủ, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến trên địa bàn huyện. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt khá; chỉ đạo tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn theo quy định. Tập trung cải tạo, sửa chữa 171,9 km đường nông thôn, nền đường rộng 1,5 m, đạt 101,1% kế hoạch...
|
Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng kiểm tra tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tại xã Thái Sơn.
|
Chứng kiến sự đổi thay của huyện, anh Đặng Văn Bận, cán bộ của huyện từ tỉnh Lào Cai đến sinh sống và làm việc tại huyện Bảo Lâm hơn 10 năm, chia sẻ: Thời kỳ đầu mới đến đây công tác, trung tâm huyện nhìn nhỏ như một thị tứ, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư, nhà cửa của dân còn thưa thớt, chủ yếu là nhà tạm, cấp bốn, đường đi lại, nhất là đường vào các xã còn rất khó khăn, chưa được bê tông, nhựa hóa nhiều… Đến nay, thị trấn Pác Mjầu - trung tâm huyện lỵ đã được quy hoạch đẹp hơn, đường phố rộng rãi, các loại xe máy, ô tô qua lại tấp nập, nhà cao tầng mọc lên san sát, chợ trung tâm buôn bán sầm uất, hàng hóa đủ các loại phục vụ nhu cầu của người dân.
Xã Nam Cao - xã vùng cao cách trung tâm huyện hơn 20 km cũng đang đổi thay từng ngày. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đào Trung Sơn, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy xã ban hành 2 chương trình hành động, 3 chương trình trọng tâm, 1 chương trình công tác toàn khóa, 1 chương trình công tác kiểm tra, giám sát, 1 quy chế và nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo công tác, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và hằng năm đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã mở mới đường liên thôn rộng 1,5 m tại 10/10 xóm, đổ bê tông đường liên thôn được 1 xóm, bê tông đường nội thôn 5 xóm. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, xã chú trọng phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cây hồi diện tích 71,9 ha, cây quế, cây sả trên 64 ha và nhiều loại cây ăn quả khác như: bưởi, nhãn, mít…, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
|
Nhân dân xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) tập trung phát triển chăn nuôi gia súc.
|
Không riêng Nam Cao, tất cả các xã của huyện đều đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển đa dạng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao… Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… được đầu tư cơ bản, ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng cho biết: Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa V, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Tăng cường các giải pháp trong công tác thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch giao; chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện các danh mục đầu tư theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...