|
Người dân Tà Lùng tham gia chính quyền số không phải mất thời gian đi lại nhiều lần làm thủ tục hành chính tại UBND thị trấn.
|
DẤU ẤN "3 SỚM NHẤT" XÂY DỰNG PHÊN DẬU TỔ QUỐC
Dẫn chúng tôi đi dạo phố, rồi dọc theo bờ sông Bắc Vọng, thăm Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, cột mốc đầu tiên của Cao Bằng được cắm tại đây, Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng Đàm Thị Phượng tự hào giới thiệu: Bước vào công cuộc đổi mới, nhiều thế hệ quân và dân vùng biên cương nơi đây kiên trung, sắc son gắn bó, xây dựng vùng đất phên dậu Tổ quốc với dấu ấn "3 sớm nhất". Dấu ấn đầu tiên là Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng Tà Lùng (nay là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng) chỉ đạo triển khai thí điểm phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới" tạo cơ sở pháp lý cho phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên địa bàn tỉnh từ năm 2001 - 2009. Tiếp đó, cột mốc 943 tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng là cột mốc được xây dựng đầu tiên của tỉnh năm 2001; biên giới ổn định, Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng được đầu tư xây dựng sớm nhất để thúc đẩy phát triển giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa là một trong những thế mạnh cho tỉnh phát triển kinh tế cửa khẩu.
Từ dấu ấn "3 sớm nhất", trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và bà con biên giới nơi đây luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện "Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Đặc biệt, từ năm 2020 - 2022, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền và 6/6 tổ dân phố của thị trấn phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng tích cực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh phía nước bạn thực hiện "Zero Covid-19"; thường xuyên phát quang đường tuần tra biên giới, cột mốc; tuần tra biên giới nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia tổ an ninh tự quản; đối ngoại nhân dân… Qua đó, giữ vững an ninh trật tự, giữ "vùng xanh an toàn" tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, góp phần tăng thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng cho tỉnh.
Anh Trần Mạnh Hường, Tổ trưởng Tổ dân phố Phja Khoang cho biết: Bà con tổ dân phố hằng năm được cấp ủy, chính quyền và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng tuyên truyền các văn bản Luật Biên giới quốc gia, 3 văn kiện pháp lý về biên giới và các văn bản pháp lý, các quy định của địa phương liên quan đến công tác quản lý biên giới, công tác đối ngoại nhân dân… nên tôi và bà con tổ dân phố luôn nêu cao trách nhiệm hưởng ứng tham gia để xây dựng đời sống biên giới ổn định và phát triển. Cũng vì thế trong năm 2022, Tà Lùng vinh dự được Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Cao Bằng chọn làm nơi tổ chức sự kiện quan trọng Chương trình giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 7 (tháng 4/2022).
|
Cán bộ, công chức và người dân thị trấn Tà Lùng (Quảng Hòa) thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng về các văn bản Luật Biên giới quốc gia, 3 văn kiện pháp lý về biên giới.
|
VƯƠN TỚI "4 SỚM NHẤT" CHUYỂN ĐỔI SỐ 4.0
Tà Lùng với dấu ấn "3 sớm nhất" chưa dừng lại ở việc thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn đang tiếp tục vươn tới "4 sớm nhất" - sớm cán đích CĐS, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thời đại 4.0.
Chúng tôi được hòa mình với nhịp sống số của công dân số nơi đây. Đến cửa hàng lớn, hộ kinh doanh, người dân đều phấn khởi nói về tiện ích của tham gia CĐS. Chỉ cầm một chiếc điện thoại thông minh trên tay, bà con có thể tham gia làm các thủ tục hành chính với chính quyền thị trấn; kết nối giao dịch với ngân hàng, cơ quan thuế để làm thủ tục kinh doanh; đến trạm y tế khám, chữa bệnh được với bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương tư vấn từ xa…
Chủ tịch UBND thị trấn Tà Lùng Đàm Thị Phượng chia sẻ: Muốn có một chính quyền kiến tạo CĐS thì trước hết phải có sự đồng thuận hưởng ứng của người dân. Năm 2021, thị trấn được chọn làm đơn vị điểm CĐS gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa có đủ nền tảng công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động của chính quyền, các cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức hoạt động mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Rào cản lớn hơn nữa là người dân chưa sẵn sàng tham gia CĐS…
Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND thị trấn tổ chức nhiều lần họp với các tổ dân phố, xóm, phân tích cho bà con thấy được nhiều lợi ích tham gia CĐS. Nhấn mạnh CĐS là bước phát triển tất yếu của xã hội nếu không bắt nhịp sẽ sớm tụt hậu trong thời đại @. Qua tuyên truyền, bà con thấy được lợi ích, tính tất yếu của CĐS đã đồng thuận hưởng ứng tích cực.
Với tinh thần chủ động vượt khó, UBND thị trấn tiết kiệm nguồn chi hợp lý để mua sắm thêm các thiết bị, máy tính cấu hình cao ứng dụng phần mềm công nghệ số; huy động cán bộ, công chức tự trang bị máy tính laptop xách tay, điện thoại thông minh… Phát động thi đua cán bộ, công chức tích cực tham gia tập huấn, tự học hỏi ứng dụng công nghệ số năng động đi đầu trong CĐS. Đồng thời xây dựng mô hình "Dân gọi - Công chức trả lời"; bố trí số điện thoại cố định, có cán bộ trực 24/24 giờ để người dân khi có việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính qua ứng dụng công nghệ số hoặc vấn đề gì phát sinh từ cơ sở đều có cán bộ lắng nghe, hướng dẫn cụ thể. Mô hình này đã gỡ bỏ rào cản trở ngại tâm lý của người dân khi tham gia CĐS. Đồng thời, thị trấn đẩy mạnh tập huấn CĐS cho các tổ trưởng tổ dân phố, đoàn thanh niên…
Được nhân dân đồng tình hưởng ứng, CĐS đã đi vào cuộc sống với cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chị Đặng Hồng Vân, Khu tái định cư 2, thị trấn Tà Lùng cho biết: Cuối năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải giãn cách xã hội, tôi cần làm thủ tục đất đai nên mạnh dạn gọi điện thoại đến UBND thị trấn, được cán bộ hướng dẫn tận tình làm thủ tục gửi qua hệ thống Dịch vụ công trực tuyến một cửa điện tử. Một tuần sau, tôi nhận được kết quả mà không mất thời gian, chi phí đi lại làm thủ tục. Qua đó, tôi thấy mình 50 tuổi vẫn tự tin tham gia CĐS, bắt nhịp với xã hội thời @.
Bước sang thềm xuân mới, thị trấn Tà Lùng vươn tới "4 sớm nhất", 100% cán bộ thị trấn, xóm, tổ dân phố cài đặt app ứng dụng điện thoại thông minh về phần mềm quản lý và điều hành văn bản triển khai từ thị trấn đến xóm, tổ dân phố. UBND thị trấn vận hành bộ máy hành chính công theo chính quyền số, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của công dân, doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến một cửa điện tử, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Kinh tế số, xã hội số chuyển động rất tích cực trong nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trấn đạt điểm hoàn thành mô hình điểm CĐS sớm nhất của tỉnh và xây dựng kế hoạch CĐS thị trấn Tà Lùng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.