|
Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa hấu cho nông dân nhóm CIG xã Quang Thành (Nguyên Bình).
|
THAY ĐỔI NẾP NGHĨ, CÁCH LÀM
Nhóm sở thích (CIG) chăn nuôi lợn Dẻ Gà 2, xã Lương Thông (Hà Quảng) được thành lập từ cuối năm 2020 với 10 thành viên. Trước khi thành lập nhóm, mỗi hộ chỉ nuôi 5 - 10 con lợn/lứa, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi thành lập, nhóm xây dựng nội quy hoạt động, bầu ban quản lý. Hằng tháng, nhóm tổ chức họp định kỳ để các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn…
Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng nhóm CIG chăn nuôi lợn Dẻ Gà 2 cho biết: Đến nay, mỗi thành viên đều nuôi từ 15 - 25 con/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Năm 2021, cả nhóm xuất bán khoảng 200 con lợn thịt với sản lượng 18 tấn, trung bình mỗi hộ doanh thu hơn 100 triệu đồng. Nhóm tổ chức mua chung thức ăn công nghiệp, một số vật tư cần thiết như men vi sinh, dụng cụ thú y nên tiết kiệm được chi phí và tiếp cận được nguồn hàng có chất lượng tốt.
Nhóm CIG nuôi ngựa bạch Kéo Sỹ 2, xã Tổng Cọt (Hà Quảng) được thành lập từ năm 2020 với 15 thành viên. Trước đó, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ do thiếu vốn, thiếu đầu ra và thiếu kỹ thuật. Ông Dương Văn Học, Trưởng nhóm chia sẻ: Ban quản lý nhóm thường xuyên tuyên truyền, vận động các thành viên chú trọng phòng, chống dịch bệnh, mở rộng diện tích trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn ngựa. Các thành viên được tiếp cận vốn vay mở rộng quy mô, được trao quyền quyết định cho ai vay vốn, cùng nhau giám sát và thành lập quỹ cho vay quay vòng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình. Ngoài ra, các hộ nuôi ngựa bạch trên địa bàn xóm liên kết với nhau để mua con giống, phối giống và bán cho các thương lái, giúp tiết kiệm chi phí; thu nhập của các hộ thành viên được nâng lên rõ rệt, có hộ phát triển thành trang trại.
Anh Lâm Văn Đại, thành viên nhóm CIG Kéo Sỹ 2 cho rằng: Tham gia nhóm CIG, tôi được tiếp cận với nguồn vốn của Dự án CSSP cộng thêm vốn của gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển đàn ngựa bạch được 11 con. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, chủ động thức ăn, phòng bệnh nên đàn ngựa sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu ngựa đẻ con thì khoảng một năm sau có thể bán được với giá 30 - 40 triệu đồng/con. Sau 3 năm, ngựa phát triển cao, to có giá từ 60 - 70 triệu đồng/con.
DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NHÓM CIG
Một trong những thành công của Dự án CSSP là việc thành lập và phát triển các nhóm CIG với những thành viên là người sinh sống trong cùng một xóm, có cùng mong muốn phát triển sản xuất, kinh doanh một hoặc vài sản phẩm, sự đoàn kết và am hiểu địa bàn. Đến nay, Dự án CSSP hỗ trợ thành lập và củng cố duy trì hoạt động của 712 nhóm sở thích/tổ hợp tác (CIG/THT) với 9.209 thành viên, trong đó, 5.828 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm 63%; 6.025 thành viên nữ, chiếm 65%.
Dự án giải ngân hỗ trợ 43,5 tỷ đồng từ Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh CSA cho 644 nhóm CIG. Trung bình mỗi nhóm được hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn được dùng để mua chung vật tư đầu vào như: con giống, cây giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, học tập kinh nghiệm, tập huấn khoa học kỹ thuật... Kết thúc chu kỳ sản xuất, phần tiền các thành viên vay để mua chung vật tư được nộp trả và tiếp tục cho vay xoay vòng trong nhóm thông qua việc mua vật tư, tư liệu sản xuất chung, các thành viên trong nhóm được luân chuyển, quay vòng nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, tạo sinh kế bền vững.
Để nâng cao khả năng sản xuất thích ứng, giảm thiểu rủi ro trước biến đổi tiêu cực của khí hậu, Ban điều phối Dự án CSSP phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, xã tổ chức 417 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo các ngành hàng thế mạnh của địa phương (VCAP) đã được xây dựng, với sự tham gia của 13.435 lượt người là thành viên nhóm CIG/THT và các hộ dân lân cận. Thực hiện 65 mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu với sự tham gia của 3.678 hộ dân, trong đó có mô hình trồng 61,8 ha cỏ phục vụ nuôi trâu, bò cho 931 hộ thuộc vùng dự án.
Dự án CSSP phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác điển hình, tiêu biểu để nhân rộng phát triển tại các địa bàn cơ sở. Đến nay có 14 tổ, nhóm CIG/THT chuyển lên hoạt động thành lập hợp tác xã. Hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở tại vùng dự án như: đường nông thôn, đường nội đồng, đường sản xuất, kiên cố hóa kênh mương… để không chỉ các nhóm CIG mà cả cộng đồng sở tại cùng hưởng lợi. Qua đó, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển nông, lâm sản, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Vũ Thị Hồng Thúy cho biết: Đến nay, các nhóm CIG/THT hoạt động rất hiệu quả, thông qua nhóm, các thành viên tăng cường trao đổi, đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất. Tuân thủ các quy định về kỹ thuật do nhóm đặt ra để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều và sản lượng đủ lớn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường tốt hơn. Thông qua nhóm giúp các thành viên thay đổi tư duy sản xuất, sản xuất có kế hoạch, có cam kết, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, phát huy lợi thế của kinh tế tập thể.
Dự án CSSP dự kiến kết thúc vào cuối năm 2023 nên việc nhân rộng, tài liệu hóa, tri thức hóa, bàn giao tiếp tục hỗ trợ và quản lý rất quan trọng. Ban điều phối Dự án tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 về việc phê duyệt chiến lược kết thúc dự án, qua đó công tác quản lý tổ, nhóm về chuyên môn sẽ được bàn giao cho hội nông dân các cấp quản lý con người và nguồn tài trợ CSA được giao cho chính quyền địa phương nhằm đảm bảo duy trì bền vững kết quả mà dự án đem lại.
Dự án CSSP tỉnh được triển khai từ tháng 8/2017 trên địa bàn 30 xã thuộc 3 huyện Hà Quảng, Nguyên Bình, Thạch An. Tổng nguồn vốn 36,27 triệu USD, trong đó, vốn ODA của IFAD 21,25 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 8,882 triệu USD, phần vốn đóng góp của người hưởng lợi 6,138 triệu USD. Dự án gồm 4 hợp phần chính: (1) Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia, theo định hướng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được thể chế hóa trên toàn tỉnh thông qua các công cụ SIP, VCAP, CCAP, MOP-SEDP; (2) Hỗ trợ xây dựng ngành “nông nghiệp xanh hơn” trong tương lai thông qua các mô hình, các tổ, nhóm đồng sở thích (CIG)/tổ hợp tác (THT) và tài trợ CSA; (3) Hỗ trợ các trang trại, nông hộ có khả năng sinh lời được kết nối với nguồn tài chính và thị trường thông qua Quỹ APIF, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, cơ sở hạ tầng; (4) Quản lý dự án. |