Bạn đang xem: Trang chủ » Kinh tế

Bất cập trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Thứ sáu 17/03/2023 05:00

Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lượng nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong quản lý, khai thác khiến nhiều công trình bị xuống cấp, chưa phát huy hết năng lực thiết kế ban đầu.

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Vĩnh Quang (Thành phố) được bê tông hóa phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.655 hệ thống công trình thủy lợi, phần lớn các công trình có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 23 hồ chứa thủy lợi (dung tích từ 0,1 - 3,71 triệu m3), 76 trạm bơm (gồm trạm bơm điện và trạm bơm thủy luân), còn lại 3.556 công trình là kênh mương, đập dâng, phai tạm. Tổng chiều dài kênh mương toàn tỉnh 4.416,18 km, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 57,3%. Diện tích đất nông nghiệp do công trình thủy lợi phụ trách tưới khoảng 25.552,62 ha, trong đó, cấp tỉnh quản lý 65 công trình (do Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng khai thác), gồm 19 hồ chứa, 20 trạm bơm điện, 26 đập dâng và hệ thống dẫn, chuyển nước, tổng chiều dài kênh mương 612,41 km, đạt 98,22% tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương. 

Giai đoạn 2017 - 2022, đối với các công trình do cấp tỉnh quản lý đã đầu tư xây dựng 2 công trình; sửa chữa, nâng cấp 6 đập đầu mối các công trình hồ chứa và xây dựng sửa chữa khoảng 95,5 km kênh mương với tổng kinh phí khoảng 571,67 tỷ đồng. Hiện nay, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo phát huy năng lực phục vụ của các công trình. Tỷ lệ trung bình diện tích lúa được tưới từ công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý chiếm 21,96%, diện tích màu, cây công nghiệp ngắn ngày chiếm 27,53%. Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi được các đơn vị, địa phương quan tâm. Riêng các đơn vị doanh nghiệp, địa phương tùy theo điều kiện thực tế, trích kinh phí để duy tu công trình từ nguồn thủy lợi phí (giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi).

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và từ báo cáo của UBND một số huyện cho thấy, công tác đầu tư, quản lý và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 65 công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý, có 28 công trình cơ bản đảm bảo đủ năng lực tưới, 37 công trình không đảm bảo đủ năng lực tưới. Số hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao gồm 9 hồ chứa. Hầu hết các đơn vị quản lý hồ đập chưa thực hiện các nội dung quy định về an toàn hồ, đập. Hiện nay, chỉ có 1/19 đập, hồ chứa thủy lợi (hồ Khuổi Khoán) được lắp đặt thiết bị quan trắc, các hồ chứa nước còn lại được lắp cột thủy trí để quan trắc mực nước, chưa được lắp đặt thiết bị quan trắc công trình; 1/19 hồ được cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước, lập và xây dựng phương án ứng phó thiên tai. Giai đoạn 2017 - 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn chưa tiến hành thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý công trình thủy lợi.

Huyện Hòa An có 16 công trình thủy lợi vừa và lớn do cấp tỉnh quản lý, khai thác, bảo vệ, đảm bảo phục vụ nước tưới cho 1.868,18 ha đất nông nghiệp. Hiện nay, một số công trình như hồ Phja Gào (Đức Long), hồ Khuổi Áng (Hoàng Tung) xây dựng từ lâu đã xuống cấp nên việc tích trữ nước không đảm bảo theo thiết kế gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hưởng lợi. Các tuyến kênh chính được kiên cố hóa đã xuống cấp, rò rỉ, thất thoát nước; các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phần lớn đều là mương đất chưa được kiên cố hóa do nhiều kênh mương dài nên lưu lượng nước dẫn tưới phục vụ sản xuất ít, không kịp thời, thời gian lấy nước kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Hồng Việt Trần Văn Hoàn cho biết: Công trình trạm bơm Pác Gậy do Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng quản lý, tưới cho 200 ha đất nông nghiệp xã Hồng Việt và thị trấn Nước Hai. Hiện nay, đập rọ đá ngăn sông thuộc trạm bơm Pác Gậy bị hỏng, xói chân đập không đảm bảo dâng nước sông vào bể hút trạm bơm.

Để đảm bảo tưới cho đất nông nghiệp, UBND huyện phối hợp với Chi cục Thủy lợi Cao Bằng, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Bình Long, UBND xã kiểm tra và lên phương án khắc phục tạm thời bằng xếp đá hộc dâng nước nhưng sau đợt mưa, lũ… đá hộc bị cuốn trôi nên Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng và Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Bình Long lại phải hỗ trợ kinh phí khắc phục đập rọ đá, để kịp thời lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân.

Hiện nay, đa số các công trình thủy lợi của tỉnh được đầu tư từ những năm 60 - 70 thế kỷ trước, đặc biệt là các công trình hồ chứa đã hư hỏng, xuống cấp, đập đất có hiện tượng thấm, lòng hồ bị bồi lấp, các tuyến kênh mương được xây dựng từ nhiều năm nhất là các công trình có kết cấu đá xây bị bong tróc gây mất nước lớn; kinh phí bố trí cho công tác đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp, quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu; mức hỗ trợ tiền sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, vận hành…

Công tác đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với Công ty TNHH một thành viên Thủy nông chưa được thường xuyên, chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi, nhất là đối với các công trình do cấp tỉnh quản lý. Hồ sơ thiết kế cũng như các thủ tục giấy tờ liên quan của nhiều công trình thủy lợi đã bị thất lạc hoặc hư hỏng cũng gây không ít khó khăn trong quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. Việc thẩm định, phê duyệt và cấp phép các công trình thủy lợi còn tồn tại những bất cập…

Để thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đơn giản hóa việc xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp với địa phương và tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ tiền sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về lĩnh vực thủy lợi. Cân đối ngân sách bố trí kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý, thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi với tổng kinh phí dự kiến khoảng 270 tỷ đồng. Đặc biệt, bố trí kinh phí sửa chữa các công trình đang có nguy cơ không đảm bảo nhiệm vụ tưới tiêu trong thời gian tới; bố trí kinh phí xử lý các tuyến kênh xuống cấp, một số công trình an toàn hồ chứa... Tiếp tục phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, huy động nhân dân ra quân tham gia lao động công ích nạo vét công trình, cùng bảo vệ công trình, không xâm lấn đất công trình, sử dụng nước tưới tiết kiệm, không vứt rác thải sinh hoạt vào trong công trình thủy lợi...

Ngọc Dung

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh