Giao nhiệm vụ đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mận Ràm Thàng
 |
Các đại biểu dự cuộc họp. |
Cây mận Ràm Thàng được người dân huyện Hạ Lang trồng từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại các xã: Đức Quang, Thắng Lợi, Đồng Loan. Mận chín vào tháng 6 âm lịch, khi ăn có vị ngọt đậm, mọng nước, là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bà con chủ yếu trồng theo tập quán truyền thống nên tỷ lệ sống không cao, trồng không đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán không đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp, cây trồng lâu năm thị thoái hóa nên số lượng cây hiện nay ước khoảng dưới 100 cây. Do đó, đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mận Ràm Thàng có ý nghĩa quan trọng đối với huyện Hạ Lang.
Thời gian thực hiện đề tài là 24 tháng (từ tháng 1/2023 - 1/2025), nhóm thực hiện đề tài dự kiến sẽ thực hiện những nội dung: Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, giá trị nguồn gen và đặc điểm sinh hoạt của cậy mận Ràm Thàng; tuyển chọn cây ưu tú và hoàn thiện quy trình nhân giống, phục vụ khai thác, phát triển nguồn gen; tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình giống mận Ràm Thàng.
Mục tiêu cụ thể nhóm thực hiện đề tài cần hoàn thành là phục tráng, bảo tồn nguồn gen cây mận Ràm Thàng phục vụ khai thác, phát triển nguồn gen; xây dựng 1 vườn giống gốc diện tích 1.000 m2; xây dựng 1 mô hình trồng mận với quy mô 1 ha; hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc mận Ràm Thàng.
Trên cơ sở các ý kiến nhận xét, Hội đồng tiến hành bỏ phiếu chấm điểm, kết quả tổng điểm trung bình 75,1/100 điểm. Hội đồng nhất trí giao Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi - Đại học Nông lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện đề tài, Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Anh làm chủ nhiệm.