|
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm, phát huy sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.
|
Gia đình bà Hoàng Thị Đóa, xóm Đồng Mây, xã Lương Can (Hà Quảng) tham gia mô hình trồng keo từ tháng 9/2022. Sau gần 6 tháng, 0,5 ha keo của gia đình bà phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 99%, cây keo sinh trưởng, phát triển nhanh, đồng đều, ít sâu bệnh. Nhìn diện tích đất đồi trước kia để không, nay được phủ lên những cây keo xanh tốt, gia đình bà rất phấn khởi.
Gia đình bà Đóa là một trong 5 hộ tham gia trồng thí điểm mô hình trồng keo sản xuất bằng phương pháp cấy mô với 1,5 ha tại các xã: Lương Can, Cải Viên (Hà Quảng); Trọng Con (Thạch An). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống keo lai cấy mô và phân bón vô cơ, được tập huấn kỹ thuật trồng rừng lấy gỗ, từ khâu xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, bón phân, kỹ thuật trồng, chăm sóc... Viên chức Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo cho các hộ tham gia mô hình và thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây tại các địa điểm.
Mô hình thực hiện với mục tiêu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nuôi cấy mô tế bào thực vật sản xuất cây giống cây keo có giá trị kinh tế cao tại tỉnh, các cây con đồng nhất về mặt di truyền, có đầy đủ những ưu thế lai của cây mẹ, hệ số nhân cao, rút ngắn thời gian đưa giống vào sản xuất, cây được làm sạch bệnh và không tiếp xúc với các nguồn bệnh, vì vậy bảo đảm cây sạch bệnh, khỏe mạnh. Nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cây mô tế bào là phương pháp nhân giống có nhiều ưu điểm nổi trội so với các phương pháp nhân giống truyền thống như giâm hom, gieo hạt. Cây giống được tạo ra từ phương pháp nuôi cấy mô là những cây giống sạch bệnh, có độ đồng đều cao và giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ, cây giống được trẻ hóa, sinh trưởng, phát triển khỏe, năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng từ hom, từ hạt. Đây là dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN phối hợp với Ban điều phối Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ CSSP tỉnh thực hiện.
Với mục đích giúp các trang trại giảm ô nhiễm, môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi, cuối năm 2021, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tiến hành chuyển giao kỹ thuật ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà cho hơn 20 hộ dân trên địa bàn xã Vĩnh Quang (Thành phố). Gia đình ông Đoàn Trọng Hải, xóm 6, xã Vĩnh Quang nuôi 2.000 con gà ri lai. Đây là lần đầu ông nuôi gà với số lượng lớn, do đó việc vệ sinh chuồng nuôi là vấn đề mà ông và các thành viên trong gia đình trăn trở. Khi biết Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai thực hiện ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, ông đăng ký thực hiện mô hình. Là người chăn nuôi lâu năm, ông và các hộ trong xóm chỉ nuôi theo phương pháp truyền thống, chưa áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để giảm tình trạng mắc bệnh ở đàn gà và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khi được cán bộ Trung tâm hướng dẫn làm đệm lót sinh học, ông yên tâm hơn khi chăn nuôi đàn gà với số lượng lớn. Gà nhà ông lớn đều, khỏe, đẹp, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão ông bán được giá từ 75 - 80 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ bình quân khoảng 100 nghìn đồng/kg. Từ số tiền bán gà giúp gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để nhân giống một số giống keo lai tiềm năng tại tỉnh Cao Bằng” và mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà là 2 trong số nhiều nhiệm vụ KH&CN mà Trung tâm đã thực hiện hiệu quả trong 2 năm trở lại đây. Với đội ngũ 35 viên chức và người lao động, mỗi năm, Trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Trung tâm phối hợp với Viện Lâm sinh triển khai 2 dự án cấp tỉnh: đề tài “Ứng dụng KH&CN chọn giống, nhân giống một số dòng mắc ca và gây trồng theo hướng thâm canh cho năng suất quả cao tại tỉnh Cao Bằng”, đề tài “Nghiên cứu khảo nghiệm một số xuất xứ giổi ăn hạt có năng suất, chất lượng tại tỉnh Cao Bằng” tại trang trại Lê Chung. Trong năm trồng và chăm sóc 1,8 ha cây mắc ca và 2 ha cây giổi. Triển khai 2 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, gồm: xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nếp Ong Trùng Khánh; hoàn thiện hồ sơ Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận miến dong Án Lại cho sản phẩm miến dong của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng”...
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Phạm Phi Long cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tập trung ứng dụng KH&XH vào những sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương; hỗ trợ huyện Trùng Khánh đăng ký thương hiệu sản phẩm đặc sản nếp Ong, đăng ký nhãn hiệu miến Án Lại (Hòa An). Tiếp tục đẩy mạnh, phát huy những sản phẩm chủ lực của đơn vị như: trà giảo cổ lam, đa dạng hóa sản phẩm từ bí xanh của huyện Thạch An, làm tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.