Thơ trên Báo Việt Nam độc lập - cách vận dụng linh hoạt đề cương văn hóa năm 1943
Bài thơ in trên số đầu tiên có thể khẳng định đây là tôn chỉ, mục đích của tờ báo: "Báo Độc lập hợp thời đệ nhất/Làm cho ta mở mắt mở tai/Cho ta biết đó biết đây/Ở trong việc nước ở ngoài thế gian/Cho ta biết kết đoàn tổ chức/Cho ta hay sức lực của ta/Cho ta biết chuyện gần xa/Cho ta biết nước non ta là gì" (Khuyết danh).
Nước ta là nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân, đó là nguồn lực lớn cho cách mạng. Nếu biết khơi dậy lòng yêu nước của giai cấp nông dân thì cuộc cách mạng dân tộc dân chủ chắc chắn thắng lợi.
Dưới thời thực dân phong kiến, tất cả ruộng đất đều do địa chủ cường hào nắm giữ, nông dân chỉ là kẻ làm thuê cho bọn chúng. Muốn lật đổ ách thống trị, người nông dân rất cần một tổ chức đoàn thể để đấu tranh thực hiện người cày có ruộng. Bài thơ "Dân cày" đã chỉ ra hướng đi đúng đắn cho người nông dân: "Muốn phá sạch mối bất bình/Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào/Để cùng toàn quốc đồng bào/Đánh Pháp, Nhật gây phong trào tự do/Nhịp này là nhịp trời cho/Lo cứu nước tức là lo cứu mình/Mai sau thực hiện chương trình/Việt Nam nông dã tất canh kỳ điền" (Khuyết danh).
Trong bài "Phụ nữ", tác giả khơi dậy niềm tự hào của người phụ nữ trong lịch sử dân tộc và chỉ ra hướng đi cho lực lượng quan trọng trong xã hội: "Ngàn thu vang tiếng bà Trưng/Ra tay cứu quốc, cứu dân đến cùng/Bà Triệu Ẩu thật anh hùng/Cưỡi voi đánh giặc vẫy vùng bốn phương", "Chị em từ trẻ đến già/Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh" (Kim Oanh).
Thơ trên Báo Việt Nam Độc lập còn hướng tới các em thiếu nhi. Bài thơ "Trẻ con" tác giả xác định: "Trẻ em là búp trên cành/Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan". Nhưng một khi nước mất, nhà tan thì trẻ con cũng là nạn nhân của kẻ xâm lược. Muốn tháo được ách gông xiềng thì trẻ em cũng phải chung tay với người lớn đánh giặc: "Vậy nên con trẻ nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu quốc đã đành/Trẻ em cũng phải ra dành một vai/Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng" (Bá.C).
Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng cho ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho sự hy sinh và tinh thần đoàn kết dân tộc. Bài thơ "Cờ đỏ ngôi sao" đã đúc kết mọi ý nghĩa lá quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập: "Vẻ vang thay lá cờ đỏ ngôi sao/Đỏ là máu nhiệt huyết của đồng bào". Bài thơ cũng hô hào toàn dân tập hợp quanh lá cờ đỏ vàng sao tạo nên sức mạnh vô biên của cách mạng: "Cả sĩ, nông cho đến công, thương, binh/Toàn dân ta đều nhất trí đồng tình/Đoàn kết chặt như ngôi sao năm cạnh Đoàn kết chặt như sức mình chắc mạnh/Chắc đánh tan lũ đế quốc Nhật, Tây/Chắc làm cho non nước Việt Nam này/Sớm phất phới cờ Việt Nam độc lập" (Khuyết danh).
Giai cấp công nhân là giai cấp kiên định cách mạng nhất, là giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng. Trong bài thơ "Công nhân", tác giả khuyết danh đã xác định vị trí, vai trò của giai cấp quan trọng này trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Bài thơ cũng chỉ ra kẻ bóc lột thành quả lao động do giai cấp công nhân làm ra: "Thành ai đắp lầu ai xây?/Tàu kia ai đóng than đây ai sàng?, "Càng nghĩ lại càng xót xa/Vì ta mất nước mà ta phải hèn/Để cho Pháp, Nhật lộng quyền/Thẳng tay bóc lột thợ thuyền nước ta"...
Ngoài những đề tài lớn như công nhân, nông dân, phụ nữ, trẻ em..., Báo Việt Nam Độc lập còn đăng tải những bài thơ nói lên tình cảm cha với con, con với cha, vợ với chồng… Vượt lên tình cảm riêng tư, các bài thơ đều xác định tình cảm lớn nhất vẫn là tình cảm dành cho đất nước. Trong bài "Cha khuyên con", tác giả dặn con đem chí trai phụng sự Tổ quốc: "Con hãy đem cả bầu nhiệt huyết/Theo những người kiên quyết anh hùng/Làm giai đổi hiếu làm trung/Mới là con thảo vui lòng của cha". (Khuyết danh).
Trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, ngoài những thắng lợi to lớn thì không thể tránh khỏi những hy sinh, mất mát. Báo cũng chia sẻ, đồng cảm với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội bằng những dòng thơ xúc động: "Mấy người chí sĩ với nhân dân/Vì giống vì nòi phải bỏ thân/Một tấm trung thành soi nhật nguyệt/Mấy phen oanh liệt rạng tinh thần" (Viếng đồng chí Qúy Quân - Khuyết danh).
Trong bài "Chia buồn", tác giả đồng cảm, sẻ chia cùng 2 đồng chí Xích Thắng, Quang Hưng trong lúc người thân lâm chung nhưng vì nhiệm vụ cách mạng nên không về chịu tang được: "Được tin ông cụ từ trần/Chúng tôi luống những mười phân ngại ngùng/Hai đồng chí quyết lòng vì nước/Nên tình nhà phải gác một bên" (Khuyết danh).
Do tờ báo phát hành ở 3 tỉnh, có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nên đã đăng tải một số bài thơ Tày để dễ truyền bá trong bộ phận dân cư cư trú tại các vùng đất miền núi. Bài "Tan nà dẳp" là một ví dụ: "Tứ dạu thâng đăm bức vận phầy/Pôm pôm ngài dá oóc tan ngay/Tềnh thua chíu chíu tha vằn chỏi/Tẩư slửa rì rì mẻ thứa lây". Dịch nghĩa: "Nắng như lửa thiêu nóng suốt ngày/Cơm xong mùa gặt phải đi ngay/Chói chang bóng ác trên đầu chiếu/Ri rỉ mồ hôi dưới áo đầy" (bản dịch của Triều Ân).
Khi Mút-xô-li-ni, têm trùm phát xít Ý bị đánh đổ, báo kịp thời in bài thơ tuyên truyền cho thắng lợi quan trọng này của phe đồng minh: "Nga, Mỹ thắng đánh tràn tứ phía/Dân Ý liền được thế đứng lên/Bắt ngay họ Mút đem giam/Diệt trừ phát xít, mong nền bình dân" (Khuyết danh).
Trước sức mạnh chẻ tre của phe đồng minh không thể chống cự nổi, buộc Hit-le phải tự sát vào ngày 30/4/1945. Bài thơ "Vịnh Hít-le" toát lên tinh thần sảng khoái của người thắng trận: "Nuốt xong mười bốn nước u - Châu/Những muốn làm vua cả địa cầu/Anh, Mỹ đã đành không dại mãi/Tô - Nga nào có phải xoàng đâu/Bây giờ ngửa mặt kêu trời thẳm/Thì đã sa chân xuống vực sâu!/Phát xít phen này tan rã hẳn/Hít-le tiếng hối để mai sau" (G.M).
Trong thời gian ngắn từ năm 1941 - 1945, tuy mới chỉ phát hành hơn hai trăm số nhưng tờ báo Việt Nam Độc lập đã góp phần đáng kể trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Những bài thơ được đăng tải không chỉ có giá trị về nội dung và nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, không những thế các bài thơ in trên Báo Việt Nam Độc lập còn đóng vai trò, vị trí quan trọng trong nền văn học cách mạng nước ta.