|
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh Trường THPT Chuyên Cao Bằng.
|
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Năm học 2021 - 2022, mạng lưới cơ sở giáo dục tiếp tục được rà soát, quy hoạch; toàn tỉnh hiện có 529 cơ sở giáo dục đào tạo công lập, trong đó, 178 trường mầm non, 340 cơ sở giáo dục phổ thông, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 1 trường cao đẳng sư phạm; giảm 6 cơ sở giáo dục (3 trường mầm non, 3 trường tiểu học). Đội ngũ nhà giáo ngày càng phát triển lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Chất lượng 2 mặt giáo dục chuyển biến tích cực, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lên lớp, chuyển cấp đạt trên 98%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm đạt 95% trở lên, riêng năm 2022 đạt 97,5%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm đầu tư, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt trên 90%. Duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 1; 100% xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; tháng 12/2020, tỉnh được Bộ GĐ&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3.
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Ngành GD&ĐT tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương, kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, đến tháng 11/2022 có 169 trường đạt chuẩn quốc gia.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Dương cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Sở GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp cận các hình thức dạy và học hiện đại; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp trong mỗi tiết dạy. Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí và phương pháp tiếp cận chung của khu vực và quốc tế trong quá trình xây dựng, cập nhật chương trình và triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện thuận lợi để các trung tâm ngoại ngữ, tin học hoạt động trên địa bàn nhằm giúp học sinh và người dân có cơ hội được học tập nâng cao trình độ. Thu hút các nguồn viện trợ, chương trình, dự án hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là những cơ sở giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện dạy học môn tiếng Anh tự chọn được quy định tại Công văn số 681/BGD&ĐT-GDTH ngày 4/3/2020 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức dạy học môn học tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với các trường có điều kiện, tổ chức dạy chương trình 4 tiết/tuần; ở các trường khác do nhà trường linh hoạt sắp xếp thời gian phù hợp, không bắt buộc dạy hết chương trình. Tập trung dạy đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cho học sinh, trong đó tập trung phát triển hai kỹ năng nghe và nói. Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên tiếng Anh phổ thông với 50 giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng bậc, 140 giáo viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; kết quả 100% giáo viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đạt yêu cầu.
NỖ LỰC HỘI NHẬP
Hội nhập quốc tế là một trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của các năm học, thời gian qua, Sở GD&ĐT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh trong toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế trong GD&ĐT. Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch dạy học ngoại ngữ trong trường tiểu học theo Quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2010 của Bộ GD&ĐT đối với học sinh lớp 4, lớp 5; Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, triển khai thực hiện môn tiếng Anh, Tin học đối với học sinh lớp 3. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản cho người học, đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế. Trang bị cơ sở vật chất dạy học ngoại ngữ thiết yếu cho các trường phổ thông; lựa chọn chương trình học trực tuyến, các nguồn học liệu mở phù hợp với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá. Nâng cấp hệ thống thư viện, hệ thống máy tính kết nối Internet, tạo cơ hội cho học sinh và giáo viên tìm hiểu, tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai dạy học tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 năm học 2022 - 2023 ở một số vùng gặp khó khăn do thiếu giáo viên.
Các phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập"… được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Đó là tiền đề quan trọng cho tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GĐ&ĐT, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Hằng năm, căn cứ kế hoạch hợp tác đối ngoại của tỉnh, Sở tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn và từng năm về đối ngoại GD&ĐT; chủ động, triển khai kịp thời các văn bản về hợp tác do tỉnh ký kết với các đối tác, như: Chương trình hợp tác GD&ĐT với chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc); triển khai các nội dung của ngành giáo dục trong các biên bản của Hội nghị Ủy ban Công tác liên hợp 4 tỉnh biên giới với Quảng Tây (Trung Quốc), chương trình ChildFund tiếp tục được triển khai với 4 dự án; năm học 2021 - 2022 có 16 học sinh đủ điều kiện đi học tại Trung Quốc.
Công tác giáo dục mũi nhọn được quan tâm; chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trên cơ sở bảo đảm giáo dục toàn diện. Trong đó, Trường THPT Chuyên Cao Bằng được đầu tư theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng hiện đại, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thầy giáo Hà Tiến Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên tỉnh cho biết: Đến nay, nhà trường có 6 khối chuyên (Toán, Ngữ văn, Vật lý, tiếng Anh, Sinh học, Hóa học) với 18 lớp/620 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên có 69 đồng chí, trong đó, 74% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ thạc sĩ; nhiều thầy, cô là giáo viên cốt cán cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, có đầy đủ các phòng học bộ môn, phòng hỗ trợ học tập và phục vụ sinh hoạt, sân chơi, nhà đa năng, tạo điều kiện tốt cho công tác giảng dạy và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy về dạy tiếng Anh bước đầu cho thấy, học sinh trở nên tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh tham gia các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm. Đồng thời, tạo cơ hội để giáo viên tiếng Anh nói riêng và các giáo viên học hỏi phương pháp, kỹ năng của các giáo viên nước ngoài để vận dụng linh hoạt vào các bài giảng.
Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả dạy và học, xây dựng môi trường giáo dục năng động, khuyến khích học sinh nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu; phát triển tư duy sáng tạo, tinh thần tự chủ, ngành GD&ĐT tỉnh đã và đang góp phần đào tạo những công dân mạnh khỏe về thể chất, mạnh mẽ về trí lực, lành mạnh về lối sống; tạo tiền đề đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước.