|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: t.l |
Người bôn ba qua nhiều nước và nghiên cứu những cuộc cách mạng đã giành thắng lợi tại những nước tư bản phát triển. Người đến cả những nơi bần cùng, khốn khổ nhất ở châu Mỹ, châu Phi, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau để hiểu đúng thực chất về chủ nghĩa tư bản, về sự áp bức dân tộc của thực dân đế quốc. Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Người đã quyết định quay trở lại nước Pháp. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Véc-xây đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 6/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của Lê-nin đã gây xúc động lớn, như ngọn đèn trong đêm tối, soi đường cho lãnh tụ của chúng ta, Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!... Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin”.
Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Giai đoạn 1919 - 1924, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế. Từ những hoạt động tích cực của mình, Người trở thành một cán bộ trung kiên, xuất sắc của Quốc tế Cộng sản. Đây là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc chuyển từ tư tưởng yêu nước truyền thống sang lập trường của giai cấp vô sản, xác định con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản.
Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Người vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu học tập, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một chính Đảng ở Việt Nam.
Về tư tưởng: Từ năm 1921 - 1930, Người nỗ lực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam nhằm làm chuyển biến nhận thức của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lê-nin từng bước chiếm ưu thế trong đời sống xã hội, làm chuyển biến mạnh mẽ phong trào yêu nước xích dần đến lập trường của giai cấp công nhân. Người viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Những bài viết, bài giảng với lời văn giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung thiết thực đã nhanh chóng được truyền thụ đến quần chúng. Người vạch trần bản chất xấu xa, tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa, nhân dân Việt Nam; nêu lên mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc...
Về chính trị: Nguyễn Ái Quốc đã phác thảo những vấn đề cơ bản của đường lối cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Năm 1927, cuốn sách “Đường cách mệnh” gồm những bài giảng của Người trong các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản. Người khẳng định, muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một Đảng lãnh đạo, Đảng có vững, cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Tác phẩm Đường cách mệnh có giá trị rất lớn, đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền bá tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, chỉ rõ con đường và biện pháp để nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do; đặt cơ sở khoa học cho việc hình thành đường lối chiến lược của cách mạng nước ta, góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng cho việc thành lập Đảng.
Về tổ chức: Ngày 25/9/1924, Nguyễn Ái Quốc nhận quyết định của Quốc tế Cộng sản đến Trung Quốc hoạt động. Ngày 11/11/1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc) cùng với việc truyền bá lý luận chính trị để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính Đảng, Người đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức đó là tập hợp lực lượng, huấn luyện, đào tạo cán bộ, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6/1925) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tại đây, Người tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi cán bộ đi học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô trước đây) và Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Những thanh niên yêu nước trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thực hiện phong trào “vô sản hóa” để đi sâu vào phong trào đấu tranh của quần chúng, truyền bá lý luận Mác - Lê-nin và đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Đồng thời, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, nên đến cuối năm 1929, đầu năm 1930 ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sự ra đời và hoạt động của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam chính là những điều kiện cơ bản và hợp quy luật cho sự ra đời của Đảng.
Với sự chuẩn bị tích cực, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6/1 - 7/2/1930. Hội nghị quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng bao gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được hội nghị hợp nhất Đảng thông qua.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu.
Trong suốt chặng đường 93 năm thành lập và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Lãnh đạo toàn dân giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những thắng lợi vĩ đại. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và mừng Xuân Quý Mão 2023, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh và công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, với quá trình ra đời và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng hôm nay nguyện ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc.
Đảng bộ nhân dân các dân tộc Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được góp sức mình vào việc xây dựng căn cứ địa cách mạng và Mặt trận Việt Minh. Là nơi đầu tiên được đón Bác Hồ trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Cùng với cả nước, nhân dân Cao Bằng luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm của Người đối với quê hương cách mạng Cao Bằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển, “gương mẫu”, “đi đầu” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; xứng đáng với niềm tự hào và truyền thống của quê hương “cội nguồn cách mạng”.