|
Người dân cần cẩn trọng khi mua sắm và thanh toán trực tuyến.
|
Chị N.M.H., phường Sông Hiến (Thành phố) đặt mua túi xách của một cửa hàng khá nổi tiếng trên mạng xã hội Facebook. Khi đơn hàng đã đặt, nhưng chưa được giao thì có một đơn vị khác đánh cắp thông tin cá nhân của chị để giao hàng đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị. Chị H nghĩ rằng đây là đơn hàng của mình nên nhận hàng và thanh toán tiền ngay. Khi bóc kiện hàng ra, chị phát hiện chiếc túi xách không đúng với mẫu mã, chất lượng mà mình đã đặt; liên hệ với chủ shop, chị mới vỡ lẽ mình bị lừa.
Chị L.M.T., phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Ngày nào mở Facebook cũng thấy hàng loạt shop thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng xuất hiện trên trang cá nhân của mình. Tôi thử truy cập vào một số trang để xem sản phẩm, trao đổi với người bán thì họ nói rằng có thể đổi trả nếu nhận sản phẩm mà không ưng. Thấy lượt yêu thích, bình luận trên trang Facebook của shop tương đối cao nên tôi tin tưởng đặt mua. Thế nhưng hàng nhận được hoàn toàn không giống như hình ảnh quảng cáo. Nhắn tin cho shop thì tôi phát hiện tài khoản của mình đã bị chặn.
Những trường hợp như chị H., chị T. gặp phải khi mua hàng trực tuyến không ít. Có những người chuyển khoản trả tiền trước mà chờ mãi không thấy hàng đâu, có người mua hàng giá trị cao mà đồ nhận được là những thứ không có giá trị sử dụng. Tìm người bán hàng thì chẳng khác mò kim đáy bể, bởi họ không có cửa hàng, không địa chỉ, không số điện thoại, chỉ bán qua mạng xã hội và sử dụng tên ảo. Khách hàng bỏ tiền mua bực bội, đành ngậm ngùi chịu mất tiền bởi không biết kêu ai.
Theo một số khách hàng bị "ăn quả lừa" khi mua hàng trên Facebook, đặc điểm chung là những trang cá nhân hoặc trang fanpage này có lượt theo dõi lớn, chạy quảng cáo rầm rộ để tạo uy tín cho người mua hàng. Được biết, hiện nay, các chủ shop có rất nhiều cách để đẩy tương tác của shop trong khi thực tế lượng tương tác chỉ chiếm một phần nhỏ như: mua lượng "like", "comment", đánh giá "ảo"… Bên cạnh đó, những tài khoản bán hàng qua Facebook có dấu hiệu lừa đảo sẽ không cho khách xem trước hàng hóa cũng như không để lại địa chỉ, số điện thoại, người mua chỉ giao dịch với shipper. Khi xảy ra sự cố, các trang Facebook này thường từ chối khiếu nại bằng cách chặn Facebook, không xem hoặc không trả lời tin nhắn.
Lợi dụng nhu cầu kinh doanh trực tuyến ngày càng tăng, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, triệt để khai thác những sơ hở, rủi ro của quá trình giao dịch online, thanh toán số nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu không cảnh giác, cả người bán lẫn người mua đều có thể trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo như: đánh cắp thông tin cá nhân để bán sản phẩm kém chất lượng; yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng, chiếm đoạt tiền đặt cọc; lừa đảo qua dịch vụ "Ship Cod" để thu khoản chênh lệch giá; lừa đảo người bán hàng qua lệnh chuyển khoản giả; mạo danh nhân viên Shopee, Lazada lôi kéo người dùng làm cộng tác viên bán hàng với hoa hồng hấp dẫn…
Hiện có nhiều hình thức lừa đảo, như: sử dụng thông tin giả mạo cửa hàng, công ty kinh doanh có thực để lập tài khoản bán hàng trên Facebook, sàn thương mại điện tử; đăng bán sản phẩm có mức giá rẻ hơn niêm yết từ 3, 4 lần, cùng với đó là những những dòng mô tả như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho", nhưng mặt hàng được rao bán thực tế lại là hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, các đối tượng còn gửi tin nhắn/cuộc gọi với nội dung "Bạn được nhận một phần quà vì bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng" của chương trình nào đó hoặc "Bạn là khách hàng thân thiết", "Tặng quà tri ân khách hàng"…, yêu cầu người nhận phải trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ.
Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, mỗi người tiêu dùng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, biết cách tự bảo vệ chính mình trên không gian mạng. Khi thương mại điện tử là xu hướng của thời đại, thì việc trang bị thêm cho mình kiến thức pháp luật về lĩnh vực này là vô cùng cần thiết. Ngoài việc lựa chọn những đơn vị bán hàng uy tín, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, người tiêu dùng cũng cần phải chủ động bảo vệ thông tin cá nhân ở mọi nền tảng và cẩn trọng trước khi sử dụng bất cứ phương thức thanh toán nào.