Bạn đang xem: Trang chủ » Bạn đọc

Cần có phương án bảo vệ cây xanh Thành phố

Thứ hai 30/01/2023 13:00

Cây xanh là nét đẹp môi trường văn hóa từ bao đời nay của một đô thị, xã hội ngày càng phát triển, những giá trị truyền thống ấy đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị và du khách đến tham quan. Cảnh quan môi trường ở Cao Bằng từ lâu đời đã được các thế hệ nhân dân dày công chăm sóc, gây dựng, ngày nay trong xu thế hội nhập mở cửa giao lưu quốc tế, những giá trị về môi trường văn hóa càng cần được giữ gìn, tôn vinh.

Hàng cây dã hương cổ thụ ở Thành phố.

Thành phố Cao Bằng có dân số 73.549 người (năm 2019), khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt, độ ẩm trung bình từ 80 - 85%, nhiệt độ trung bình hằng năm 21,6oC, cao hơn so với mực nước biển 240 m, cách Thủ đô Hà Nội 288 km. Điều kiện địa lý tự nhiên tạo nên Thành phố đặt vào vị trí 3 mặt, song xung quanh Thành phố là những khu đồi thấp bao bọc.

Rất nhiều du khách của mọi miền đất nước khi đến thăm thành phố Cao Bằng đều có chung một nhận xét đây là một thành phố nhỏ nhắn, đẹp của nước ta. Có được một Thành phố như ngày hôm nay bởi lẽ ngay từ khi mới thành lập, Thành phố đã được các thế hệ nhân dân dày công chăm sóc, gây dựng, ngoài những căn nhà, hạ tầng cơ sở đường phố được đầu tư xây dựng thì cây xanh cũng được trồng ngay từ những ngày đầu khi mới thành lập, khi ấy Thành phố còn là chợ “mộc mạ” - nơi chợ bán cỏ chăn ngựa, thời điểm ấy cây xanh Thành phố đã được trồng. Hiện nay, những cây xanh đang phát triển trên các con đường của Thành phố có thể chia thành các giai đoạn sau:
Thời kỳ đầu tiên là những cây trồng từ thời Pháp thuộc từ những năm 1920 - 1930, chủ yếu là cây dã hương xen lẫn một số cây phượng vĩ, lát hoa, cây gạo, một vài cây sưa, cây đa… Vị trí trồng các loại cây ở phố Vườn Cam, phố Cũ, phố Thầu, khu vườn hoa trung tâm Thành phố, Nhà thờ Thanh Sơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Số cây dã hương trồng vào thời kỳ này hiện còn có trên các đường phố Thành phố là 36 cây, có thể nói đây là loại cây quý có những ưu thế nổi trội trong các loại cây xanh trồng trên đường phố, lá cây xanh quanh năm, rễ chìm ăn sâu xuống lòng đất nên phát triển bền vững và tuổi thọ lâu dài. Những tuyến đường phố trồng nhiều cây dã hương như Vườn Cam; phố Kim Đồng hiện chỉ còn vài cây; phố Cũ và đường đầu cầu Sông Hiến còn 4 cây, hàng cây dã hương ở phố Đàm Quang Trung, cạnh Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thành cổ thụ. Ở nước ta có cây dã hương hàng nghìn năm tuổi, đó là cây dã hương ở Tiên Lục (Bắc Giang) thời Lê Trung Hưng (1740 - 1874), cây được triều đình phong cây dã đại thần để tôn thờ và bảo vệ. Năm 1999, cây dã hương Tiên Lục được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hiện nay hằng ngày có rất nhiều du khách đến tham quan.

Loại cây thứ 2 có trên hè phố thành phố Cao Bằng là cây xà cừ và cây thông thân to, gốc xù xì, cành lá sum suê có chu vi 7,2 m, là loại cây có bộ rễ chùm ăn ngang thường nổi lên trên mặt đất, cây xà cừ và cây thông có trên đường phố được trồng từ những năm 1959 - 1960 vào thời điểm toàn dân hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ phát động.

Hiện tại, số cây này còn lại trên các tuyến phố và cả khu vực Trường THPT Thành phố khoảng 42 cây, tuy nhiên đây là loại cây có nhiều nhược điểm như: cành giòn, tán lá quá sum suê nên rất nặng, rễ không ăn sâu xuống lòng đất nên mùa mưa, bão dễ gãy cành, cây đổ... gây nguy hiểm cho người đi bộ và nhà cửa trên đường phố. Nên rất cần có chế độ chăm sóc riêng chu đáo hơn, có đánh số từng cây, thường xuyên cắt tỉa những cành cây có nguy cơ đổ, gãy do mưa, bão gây ra. Hai loại cây này trồng lâu năm ở Thành phố nên có thể bị sâu bệnh phá hoại, việc chăm sóc cây khỏi bị khô, chết cần được đặt ra, trường hợp bất khả kháng cần chặt hạ phải có ý kiến của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề này bởi lẽ trồng được một cây cổ thụ giữa trung tâm Thành phố trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, kể cả chiến tranh tàn phá và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay thì những cây cổ thụ như những hiện vật sống chứng minh cho các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Điều này thật đáng quý cần được gìn giữ, bảo vệ và phát triển.

Những hàng cây xanh đa chủng loại hiện nay ở Thành phố đang khép tán rợp bóng mát trên các hè phố, đa số trồng từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX, những cây xanh trồng vào thời điểm này lên đến hàng nghìn cây. Tuy nhiên, những cây này kích thước to nhỏ khác nhau rõ rệt, có cây chu vi gốc đo được khoảng 1 m, có cây vừa trồng vài ba năm nên còn rất nhỏ. Nhưng dù sao đi nữa những cây xanh trên hè phố Thành phố đã thực sự trở thành “lá phổi” xanh của đô thị, giữ vai trò quan trọng trong cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường trong lành, nét văn hóa xa xưa của một thành phố lịch sử.

Tỉnh Cao Bằng đang tích cực hưởng ứng chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh trên phạm vi cả nước do Chính phủ phát động từ nay đến năm 2025, việc làm có ý nghĩa lớn lao này góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm bớt tác hại của bão lũ trong mùa mưa ở những tỉnh miền núi như Cao Bằng. Song, trồng loại cây gì trên đường phố cũng như những cây trồng để phủ xanh đồi núi cần phải tính toán, có lẽ nên ưu tiên những cây bản địa hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như: cây gạo, cây mác noạng, cây mạy mạ… Cao Bằng là tỉnh có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa nổi tiếng trong nước và thế giới, từ lâu Non nước Cao Bằng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách mỗi khi có dịp lên tham quan, trải nghiệm nơi xứ sở thần tiên, miền đất của các làn điệu dân ca hát Then, đàn tính, sli, lượn mang đậm bản sắc dân tộc. Ngay giữa Thành phố khang trang, hiện đại có những hàng cây cổ thụ đặc trưng phủ bóng mát trên khắp đường phố sẽ là nét độc đáo của một tỉnh miền núi mà ít thành phố nào có được.

 Những năm gần đây, để chỉnh trang, nâng cấp Thành phố, hàng loạt cây xanh đã được trồng thêm, đồng thời loại bỏ một số cây bản địa trồng từ lâu năm có nguy cơ gãy, đổ. Việc trồng cây gì, kích thước như thế nào được các cơ quan chức năng có trách nhiệm phê duyệt. Hàng loạt cây cổ thụ ở hai bên bờ sông Bằng, sông Hiến tồn tại hàng trăm năm tuổi đều bị chặt hạ, những hàng cây ấy qua thời gian chứng minh đều có sức chống chịu bão lũ hai bên bờ sông rất hiệu quả, thay vào đó là công trình kè bờ sông Hiến, sông Bằng được trồng lại một loạt cây khác xa lạ với nhân dân địa phương, không biết đến bao giờ những hàng cây mới trồng sẽ lớn bằng những hàng cây năm xưa?

Đinh Ngọc Hải

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh