Đại diện tiếng nói trí thức trẻ của bản làng Tày, Nùng đầu thế kỷ XX, thơ Hoàng Đức Hậu vận dụng văn hóa văn học dân gian cũng như cách nói của dân tộc Tày khá nhuần nhuyễn. Ngôn ngữ thơ trong sáng, hoạt bát và vẫn mộc mạc, giàu hình ảnh, tiếp thu phát triển từ văn học truyền thống và cách cảm, cách nghĩ của quần chúng. Thận trọng mà vẫn tỏ được sự chân thật, chân thành. Thẳng thắn trực diện mà vẫn lộ niềm lạc quan, dí dỏm. Lấy cái thực làm cốt lõi, nên không sa vào phóng đại. Mạch thơ ấm áp. Hơi thơ nhuần đượm. Tình thơ cao và sang trọng.
Phần lớn nội dung thơ Hoàng Đức Hậu lấy đề tài từ những thực cảnh, thực trạng diễn ra ở bản làng và trên đường tìm việc, mưu sinh. Nhiều điều chướng tai gai mắt của xã hội đang pha màu thực dân với phong kiến đã được cảm quan thi sỹ biến tấu khéo léo để thể hiện, khiến đối tượng đau ngấm ngầm và không cãi được.
Đó là trường hợp bài thơ Soi ếch hội, được tác giả tập sách chú thích như sau: Có một lần, Hoàng Đức Hậu đến một làng có đám hiếu, thấy trai gái sau khi ăn uống no say, rủ nhau đi chơi trong bóng tối. Nhà thơ thấy cảnh lăng nhăng không hay, bèn làm bài thơ mượn cảnh đêm mưa đi soi bắt ếch từ các hang chui ra tìm bạn:
Nửa đêm mưa xuống tiếng vang ngòi
Soi đuốc ra xem, hóa ếch vui
Ọp ẹp bờ mương, to cõng nhỏ
Thì thầm bến nước, một thành đôi
Đang mưa cặp cặp trông đờ đẫn
No nước con con bụng õng rồi
Năm nhuận chi mà anh giáo nhỉ
Hay nhà thiện xạ khấn thoong dôi.
Rõ ràng cảnh soi đuốc xem ếch cõng nhau thôi, mà thật linh hoạt, từ hình ảnh đến âm thanh, hết thì thầm đến ọp ẹp. Trình tự bài thơ như đoạn phim sinh động, từ toàn cảnh, trung cảnh, đến cận cảnh. Thú nhất là tác giả còn mạnh tay đẩy tới đặc tả Đang mưa cặp cặp trông đờ đẫn, rồi viễn cảnh cũng diễn ra nhanh chóng. Nó là kết quả đáng báo động cho những ai còn quan tâm đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội: No nước con con bụng õng rồi.
Bài thơ Trai gái gặp nhau, cũng đồng dạng với bài thơ Soi ếch hội nhưng thể hiện trực tiếp cảnh con người:
Vui nhất là vui sự hẹn hò
Gặp nhau trai gái vận tua rua
Mắt trên chăm chú trông đờ đẫn
Môi dưới thầm thì gợi ý nô
Rủ rỉ rù rì chưa vãn chuyện
Thậm thà thậm thụt đã con so
Chẳng trò nào thú hơn trò ấy
Rằng chẳng hồ keo cũng kẹo hồ.
Theo dịch giả, nguyên văn bài này dùng rất nhiều từ lấp láy. Khi dịch, dịch giả đã cố gắng tìm những từ tiếng Việt tương đương, nhưng khó lột tả hết được cách chơi chữ của tác giả. Vậy mà vẫn còn “rủ rỉ rù rì” với “thậm thà thậm thụt” rất gợi đó sao. Đặc biệt “thậm thà thậm thụt” càng đắt giá vì có hai ba hình ảnh chồng khớp, hiểu thế nào cho đủ.
Nói về tài chơi chữ của Hoàng Đức Hậu, phải đến bài Lên đồng, mới tỏ lộ được phần nào.
Lên đồng là một hình thức vui chơi, núp dưới màu sắc tâm linh, cho thanh niên nam nữ đi tìm gặp nhau ở chợ Tam Quang - một thứ chợ tưởng tượng ở thế giới khác. Họ gặp nhau, tìm vui ở thân xác:
Nửa đêm trăng tỏ tó tò to
Các ả sluông về gọi lố lô
Mày cấu tao cào đau đảu đáu
Đây cười đây thét hố hồ hô
Quay cuồng phải trái quây quầy quấy
Nhảy nhót thấp cao thò thó tho
Tóc rối đầu bù bu bù bú
Nô đùa ôm ấp nó nò no.
Nghệ thuật Hoàng Đức Hậu biến hóa đắc địa khi vẽ nên cảnh trai gái gặp nhau trong cuộc lên đồng thác loạn bằng cách cấu trúc bài thơ theo lối cổ thể Vĩ tam thanh, ba tiếng cuối ở các câu thơ đều phát âm gần giống nhau về vần, chỉ thay dấu giọng, khiến bài thơ đọc lên như liên tiếp tiếng vọng, tiếng vang hắt trả nhại lại âm u, tạo ra không khí ma quái ám ảnh. Chính bằng lối cấu trúc táo bạo này, nhà thơ đã biểu hiện thái độ phê phán rạch ròi của mình. Khiến nội dung bài thơ thêm phần sâu sắc.
Bài thơ Cốm, mô tả cảnh trai gái giã cốm mùa thu. Câu thơ tự nhiên, hình ảnh nối nhau, ngan ngát tình tứ:
Cốm thơm năm trọn chẳng bao mùa
Trai gái hẹn hò sự “cáu nho”
Người xảy người vò cười khúc khích
Kẻ rang kẻ giã chuyện nô đùa
Cối chân các chú luôn chi giã
Chày gỗ chư cô bình bịch đua
Mày rú tao cười khuya động tiếng
Suốt năm nhớ bữa cốm căng no.
Hai chữ “cáu nho” là tiếng nói lái có nhau của trai gái mong ước hẹn hò. Bài thơ đẹp như bức tranh toàn cảnh trong sáng. Bức tranh càng ý vị, hóm hỉnh hơn nhờ hình ảnh của cối và chày hiện ra. Hai biểu tượng âm dương hòa hợp này cho người đọc tự hình dung bao điều tốt đẹp.
Đến đây, không thể không nhớ bài thơ Nhà bỏ trống của Hoàng Đức Hậu với biểu tượng cối và chày hiển hiện bao niềm mong ước đời sống một con người phải được sống qua, phải được thụ hưởng yêu mến tận cùng kiếp nhân sinh, nhân thế.
Chủ đi đâu vắng hỡi nhà hoang
Nỡ bỏ mày đây luống dở dang
Sớm tối ngừng quay xay cối gỗ
Sáng chiều vắng nấu chảo nồi gang
Giàn thang mọc nấm tươi mườn mượt
Cửa đẳng chăng màn nhện dọc ngang
Trông ít buồn nhiều người học sỹ
Âu là đến chửa tiếp chân sang.
Đến đây càng thấy cái tâm của nhà thơ Hoàng Đức Hậu thật đượm đà rộng rãi biết nhường nào. Người ấy sẵn sàng vượt lên mình, vượt lên tất cả để mai này còn lại chút tình khăng khít cùng nhau...
Sinh ra sau Bà chúa thơ nôm, Hoàng Đức Hậu thực đã đưa cõi phồn sinh, phồn thực vào cõi giới, chỉ thi ca dân tộc Tày mới đạt tới xuân ý, xuân tình.