Cảm hứng chủ đạo của tập thơ này là cảm thức là hoài niệm về thời gian đã mất. Thời gian là tài sản quí báu của con người. Thời gian không tái sinh, qua đi không bao giờ trở lại. Tất cả những gì đang diễn ra hôm nay bỗng chốc trở thành quá khứ, không bao giờ lấy lại được nữa. Chúng ta chỉ có thể ngược thời gian bằng những giấc mơ. Bởi vậy cảm thức vể thời gian đã mất thường là những cảm thức buồn. Nhà thơ đã thảng thốt :
Mẹ ơi có phải giấc mơ
Đưa con về nơi quá khứ.
(Mẹ ơi)
Nơi quá khứ của thi sĩ thường hiện về trong giấc mơ là:
Tiếng khèn lá của người
Câu nàng ới của người
(Tình xuân)
Cả cái tuổi hồn nhiên cũng theo giấc mơ hiện về:
Ta cùng chạy cơn mưa ngầu ngã
Ta cởi áo
Ủ lên vai mình hơi thở
Và tác giả đã cất tiếng gọi trong nỗi vô vọng :
Trở về đi người ơi
Nghiêng nghiêng chiều gió thắm
Núi đong đầy sợi nắng
Thoảng vọng tiếng chim rơi
(Gió hoàng hôn)
Dẫu sao những “chiều gió thắm - tiếng chim rơi” hay “sợi nắng” vẫn là những gì ta nhìn thấy được còn thời gian thì vô hình, vô ảnh không ai biết được cho nên nó đã qua đi rồi, đã mất rồi mà ta vẫn cảm thấy nó hiện hữu đâu đó quanh ta. Đoàn Ngọc Minh rất có lý khi viết:
Ta đi tìm mùa thu giữa bốn bề đá núi
Bốn bề gió thổi
Bốn bề sương giăng
(Tìm lại mùa thu)
Mùa thu ở đây là mùa thu của đời người, một khi đã qua rồi làm sao tìm lại được nữa. Cái thời son trẻ qua rồi. Cái thời: Chẳng ngại gì khe sâu/Chẳng ngại gì xa cách đêm thâu, để đi tìm người mình yêu cũng qua rồi. Đấy là sự mất mát lớn lao của đời người chẳng ai có thể cưỡng lại được.
Do cảm nhận được thời gian qua đi đem theo tuổi trẻ cũng như tình yêu và những cuộc hò hẹn làm lòng mình thổn thức bởi thế cái buồn mới xuất hiện xâm chiếm tâm hồn ta. Viết về nỗi buồn không đồng nghĩa với sự yếu đuối, ủy mị. Cùng với niềm vui, nỗi buồn là tài sản tinh thần, là sắc thái tình cảm của con người. Có điều nên khai thác nỗi buồn ở góc độ nào mà thôi. Ở tập thơ này Đoàn Ngọc Minh khai thác nỗi buồn với tâm thế thanh tao và tự chủ. Cả tập có ít nhất 4 bài thơ nói về nỗi buồn với nhiều góc nhìn khác nhau nên mỗi nỗi buồn phản ánh một cung bậc tình cảm khác nhau làm cho người đọc buồn mà không chán. Ở bài ĐỢI, Đoàn Ngọc Minh viết:
Buổi mai về núi
Buồn như nắng bơ vơ trên cỏ
Buồn như con ngựa về chuồng cũ
Buồn như chiếc lá lăn lóc lối đi
Đây là nỗi buồn của sự chia ly do khách quan đem lại. Để khắc họa nỗi buồn tác giả so sánh khá tài tình. Những hình ảnh nắng bơ vơ trên cỏ/Con ngựa về chuồng cũ/ Chiếc lá lăn lóc lối đi khá mới mẻ và đắt. Còn diễn tả nỗi buồn tự dâng lên trong cõi lòng thì tác giả viết:
Biết cất cái buồn đi đâu
Hỏi núi, núi lắc đầu
Hỏi cây, cây im phắc
(Biết cất cái buồn đi đâu)
GIÓ HOÀNG HÔN là tập thơ song ngữ Tày - Việt. Phần tiếng Tày cũng rất hay. Sự ra đời của tập thơ này góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học đương đại của dân tộc.