Múa rồng trong hội chùa Sùng Phúc.
Sáng sớm, trên các nẻo đường dẫn đến Thị trấn Thanh
Nhật, hàng nghìn người nô nức kéo về trẩy hội Chùa Sùng Phúc. Các cụ ông, cụ
bà, thanh niên nam nữ và cả trẻ nhỏ khoác lên mình bộ quần áo đẹp, vui vẻ đến
dự hội. Từ xa, du khách đã nhìn thấy chùa Sùng Phúc trang nghiêm, cổ kính, tọa
lạc trên cánh đồng rộng, phong cảnh thoáng đạt, tựa lưng vào chân núi.
Chùa được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông thế kỷ
XIII, ban đầu có tên là Sùng Khánh tự, thờ Phật và thờ các nhân vật có công
trấn ải vùng biên giới. Năm Cảnh Hưng thứ 43, thời nhà Lê, chùa được trùng tu
và đổi tên là chùa Sùng Phúc, chùa thờ Đức Phật Quan Âm Bồ Tát ở hậu cung có
tượng Phật Bà. Bên trái thờ vị Thành Hoàng, người có công chiêu dân khẩn hoang
lập bản làng- ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678) tri châu Tư
Lang, ông quê ở thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, sau làm Đốc đồng ở
Cao Bằng. Hiện nay, trong chùa có tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Thành Hoàng,
tượng Phật, bia chùa Sùng Phúc khắc chữ Hán cổ, đại ý là Mưa thuận, gió hòa A
di đà phật (Lời chào trong sáng và thân mật). Ngày 29/1/1993, Chùa được xếp
hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trong dòng người tấp nập, nhiều cụ ông, cụ bà đã cao
tuổi nhưng vẫn về dự hội chùa. Bởi đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện,
và bởi đây là cơ hội để những người già trong làng ôn lại sự tích năm xưa. Bà Lý
Thị Xuân, 71 tuổi, Thị trấn Thanh Nhật cho biết: từ khi còn rất bé, bà được ông
cụ của mình kể lại rằng: Chùa Sùng Phúc còn thờ vi đồ là bà Nguyễn Thị Duệ, người
làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương. Bà theo cha lên
Cao Bằng thời vua Mạc Kính Cung. Năm 20 tuổi, bà cải trang là nam thi đỗ tiến
sĩ đầu bảng ở trường quốc học Bản Thảnh Cao Bằng. Khi thi đỗ bà được mời về ly
cung Đống Lân để dạy học cho hoàng tử, công chúa. Vua Mạc lấy bà làm vợ và đặt
tên là Tinh Phi (Sao sa). Năm 1625 nhà Lê cử tướng Trịnh Kiền lên Cao Bằng bắt
được vua Mạc Kính Cung đem về Thăng Long trị tội. Bà Duệ chạy về Hạ Lang đi tu
ở chùa Sùng Phúc. Bà tài cao học rộng mở lớp dạy học, giảng về giáo lý nhà phật. Bà được quan châu Nguyễn Đình Bá mến mộ,
truyền cho nhân dân ngoài vùng “Lệnh Cấm” không cho ai được lai vãng đến chùa
để che dấu tung tích bà đang bị nhà Lê truy tìm. Nhưng, nhà Lê biết tin bà Duệ
ở Hạ Lang đã đón bà về Thăng Long. Sau, người dân tưởng nhớ người thầy nghèo Nguyễn
Thị Duệ, đưa bài vị vào Chùa để thờ. Bà Xuân tự hào: năm xưa ông cụ tổ của bà
cũng quyên góp bạc để tạc bia, trùng tu miếu này.
Hội Chùa hàng năm mở vào ngày Rằm tháng giêng. Có tổ chức
rước kiệu Quan Âm Bồ Tát, kiệu Thành Hoàng, tổ chức múa rồng, múa kỳ lân, hát
hà lều, phong slư… giao lưu các môn thể thao cầu lông, bóng chuyền, kéo co, cờ
tướng, tung còn… thu hút đông đảo khách thập phương đi trẩy hội cầu may. Ông
Hoàng Văn Chịch, Trưởng phòng văn hóa thông tin-thể thao huyện, Phó Trưởng ban
tổ chức lễ hội cho biết: mặc dù lễ hội không còn như xưa, nhưng ban tổ chức vẫn
cố gắng giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của người xưa
như khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc, công tác tổ chức
lễ hội chu đáo hơn nên lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy
hội đầu xuân của du khách thập phương.
Một số hình ảnh về lễ hội.
P.V
.jpg) |
Đông đảo du khách thập phương về trẩy hội Chùa Sùng
Phúc
|
|
Lễ rước kiệu Quan Âm Bồ Tát và kiệu Thành Hoàng
|
|
Tượng Quan Âm Bồ Tát trong chùa
|
|
Tượng Thành Hoàng- Tri châu Tư Lang Nguyễn Đình Bá
|
|
Nam nữ thanh niên hát
hà lều trong ngày hội |