 |
Ông Long Văn Thắng (đứng giữa) trao đổi với hội viên cựu chiến binh. |
Năm 1984, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thắng lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương tham gia lao động sản xuất, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Năm 1999, ông và gia đình đã quyết tâm gây dựng lại nghề rèn của ông cha để ổn định kinh tế và bảo tồn nghề rèn truyền thống. Quá trình sản xuất, để tích lũy kinh nghiệm, tạo chất lượng sản phẩm, ông học hỏi, trau dồi kỹ thuật rèn, đồng thời mạnh dạn áp dụng nhiều kỹ thuật mới nhằm chế tạo và cải tiến các loại nông cụ, cho ra những dụng cụ phù hợp với từng mô hình sản xuất khác nhau. Vì thế, dụng cụ của gia đình ông sản xuất được nhiều người ưa chuộng. Sau hơn 20 năm tích góp, gia đình ông Thắng mở thêm cơ sở sản xuất, đến nay đã có 2 xưởng rèn, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Nhằm duy trì nghề rèn truyền thống, ông thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với nhiều hộ dân lân cận để cùng phát triển sản xuất và đi tiên phong trong việc vận động, giúp đỡ các gia đình cựu chiến binh khác phát triển nghề rèn. Năm 2017, xưởng rèn của gia đình ông đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng. Nhiều chi hội cựu chiến binh trong huyện, tỉnh về tham quan học hỏi, ông đều nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.
Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế gia đình, ông Long Văn Thắng được Hội Cựu chiến binh các cấp biểu dương, khen thưởng và được tặng Bằng khen cựu chiến binh gương mẫu, điển hình cấp tỉnh giai đoạn 2012 - 2017.