Tam Đảo, điểm đến lý tưởng của du khách.
Từ những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp đã xây 145 tòa biệt
thự nguy nga, có cả bể bơi, sàn nhảy..., từ sức lao động, mồ hôi, nước mắt và cả
xương máu của phu phen người bản xứ, của tù thường phạm và anh em tù chính trị
để biến nơi này thành chốn ăn chơi, tiêu khiển vào bậc nhất nhì Đông Dương lúc
bấy giờ. Song trôi đi cùng thời gian, năm tháng, cộng với sự tàn phá của chiến
tranh, mưa bão khắc nghiệt đã khiến những ngôi biệt thự, khách sạn đó trở thành
hoang tàn, đổ nát. Cùng vì lẽ đó mà nay Tam Đảo tạo cho mình những nét riêng, ẩn
chứa những kỷ niệm và dấu ấn lịch sử khiến người ta tò mò, muốn được khám phá.
Cùng với sự phục hồi, tôn tạo và nâng cấp các đền thờ, miếu mạo, các di tích lịch
sử và sự phát triển rầm rộ của các loại hình dịch vụ du lịch, hiện nay, Phố núi
có tới 77 khách sạn với trên một ngàn phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, đáp ứng những
nhu cầu cần thiết của du khách. Vì thế số lượng khách đến đây mỗi năm một nhiều,
nhất là vào các ngày lễ, tết và dịp nghỉ hè. Riêng năm 2010, kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội có tới 2 vạn lượt khách đến đây vãn cảnh, nghỉ dưỡng.
Ở đâu cũng vậy, khi du lịch phát triển mạnh thì văn hóa ẩm
thực cũng phát triển theo. Tôi nhớ hôm đầu cùng nhà báo Phan Thanh Nguyệt lững
thững vào chợ gặp bao nhiêu thứ lạ của Phố núi. Nào cơm lam, khoai nướng, chim
nướng, gà quay... Gió núi theo bàn tay quạt của cô hàng nước thổi hồng những
hòn than. Bắp ngô non trên than cứ pựt - xèo, pựt - xèo thoảng ra mùi thơm ngọt.
Hấp dẫn nhất, nhiều nhất ở Tam Đảo vẫn là ngọn su su. Cả thung lũng 214,5 ha
quanh năm bốn mùa ngợp một màu xanh mướt mắt của su su. Ngọn su su vấn vít cả
bước đi của khách bộ hành. Sáng nào cũng vậy, cứ tầm bẩy rưỡi, tám giờ ra chợ
là gặp từng lúm, từng lúm ngọn su su bày bán với giá 25 - 30 ngàn đồng/kg, rồi
su su theo xe máy từng bao, từng bao căng phồng xuống núi về Vĩnh Yên, Phúc
Yên, Hà Nội... Su su Tam Đảo đã trở thành thương hiệu hấp dẫn người tiêu dùng
thành phố, ăn vào như ăn cả hương đất, hương rừng Tam Đảo, làm ta thêm đắm đuối
miền đất lãng mạn, hữu tình này!
Ngắm những ngôi nhà tường trắng, tường vàng cao ngất giữa
mây trời và đêm về lúc ẩn, lúc hiện trong sương, lung linh ánh điện ảo huyền phố
núi, trong tôi bồi hồi nhớ một ngày hè oi ả cách đây 40 năm về trước cùng đồng
đội Tiểu đoàn Phai Khắt hành quân dã ngoại lên đây. Lúc đó nơi này đìu hiu lắm;
dưới lòng thung chỉ thấy vài ngôi nhà hai tầng tọa lạc bên một bể bơi rộng chừng
hai trăm mét vuông, ba mặt bốn bề cây cối um tùm. Khi bước quân hành vừa chạm tới
cửa rừng là vắt nâu, vắt xanh đã tua tủa, bám vào cả lưng áo, chui vào tận
nách... Chính kỷ niệm khó quên ấy thực sự là động lực thôi thúc tôi hãy một lần
trở lại Tam Đảo, dù cho mỏi gối, chồn chân cũng phải cố leo lên đến đỉnh kỳ được,
để chiêm ngưỡng vùng đất “linh khí núi sông đất Việt”!
Trong lúc đang ngơ ngác tìm bạn đường lên núi thì được nhiếp
ảnh gia Văn Học xăng xái vác máy cùng đi. Quãng đường từ nhà nghỉ đến Đền Bà
Chúa Thượng Ngàn còn râm ran tiếng nói, tiếng cười của khách muôn nơi, nhưng
khi đến khúc cua ngoặt ngược lên đỉnh núi thì chỉ còn “một người đi với một người”
mà thôi. Con đèo len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh, không một vệt nắng xuống đường,
dọc hai bên đường là những cánh rừng vầu san sát chen giữa những bạt ngàn cây cổ
thụ đủ các loại, địa y bám đầy thân cây, các loại dây rừng chằng chịt lên tận
ngọn, rủ xuống bịt bùng cả cành, cả lá, thật là hoang sơ, bí hiểm. Sau hơn một
tiếng “phì phò”, hai anh em chúng tôi cũng đã vượt qua được 1.394 bậc đá. Khi
lên gần tới đỉnh núi một cảm giác rờn rợn bởi tiếng u u, trầm mặc của gió núi cứ
như một thác nước khổng lồ, vô hình đang ầm ầm dội xuống, bủa vây! Lên đến đỉnh,
cái cảm giác “đầu chạm trời” choáng ngợp trong tôi bởi một lớp mây đặc sánh bỗng
ùn ùn tràn về che kín cả màn trời, nhưng chỉ mươi phút sau, khi đám mây từ từ vờn
theo sườn núi xuống thung thì lại để hở một khung trời rực rỡ non ngàn. Đưa mắt
về hướng bắc là hồ Núi Cốc và cánh đồng Đại Từ tít tắp trong sương. Phía nam là
phố xá, ruộng đồng, làng mạc lờ mờ của vùng Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên. Một
cảm giác thanh bình, yên ả chốn non xanh núi biếc. Từ đỉnh cao Tam Đảo vời vợi
nghìn trùng, hồn tôi như muốn nhập vào cõi hư vô để tìm những đồng đội bất tử
đã ngã xuống vì nghĩa lớn của dân tộc. Và từ sâu thẳm của lòng mình tôi muốn cầu
chúc cho họ mãi mãi bình yên trong lòng đất mẹ ở nơi xa!
Khi rời chân xuống núi, tôi mang theo về hình ảnh của hai
công nhân trực phát sóng Nguyễn Ngọc Cường và Trần Nhữ Hoài. Thương lắm! Các
anh đã 27 năm liên tục “ăn gió, nằm sương” để nâng cánh sóng truyền hình, sóng
FM đến với mọi vùng miền của đất nước. Trên đường từ đỉnh tháp truyền hình đi
xuống chừng 45 phút, một lối mòn rẽ phải đưa tôi vào đền thờ Bà Chúa Thượng
Ngàn, khói hương thơm ngát, khách thăm từng tốp, từng tốp dâng lễ, dâng hương
những mong bà Chúa “phù hộ độ trì” cho mình phúc lộc, an lành. Khi từ trong đền
đi ra, tôi bắt gặp một cái cột vuông thẳng đứng, màu trắng, bốn mặt ghi dòng chữ
“nguyện xin hòa bình đến với toàn thể nhân loại trên thế giới” bằng bốn thứ tiếng
Việt, Anh, Nhật, Pháp. Hỏi mới biết, cây cột này do đôi vợ chồng người Ấn Độ
cúng tiến, vì họ đã sinh được con sau một lần vào đền cầu nguyện cách đây vài
năm về trước. Qua đây ta càng trân trọng về sự thiêng liêng của ngôi đền này!
Ở độ cao 800 m là đền thờ Đức Thánh Trần. Từ nhiều năm nay,
cứ đến 20 tháng 8 âm lịch là nhân dân địa phương vào giỗ. Còn nhiều, nhiều lắm
những điểm di tích, danh thắng kỳ vĩ, rêu phong ở chốn non cao núi biếc này,
nhưng có sức gọi mời, hấp dẫn đối với tôi hơn cả là khu “nhà Rông” gắn liền với
Bác Hồ kính yêu và sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ngay trong lòng
“quả đồi toàn quyền”. Khu “nhà Rông” cũ kỹ, hoang sơ, cửa trước, cửa sau im ỉm
khóa, um tùm cỏ dại, mái lợp thủng lỗ chỗ bởi những tấm tôn gẫy gục. Chính ngôi
nhà này đã để lại nhiều dấu tích của Bác Hồ kính yêu. Năm 1963 và 1968, trong
lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn cam go, ác liệt thì
Bác Hồ đã nhiều lần lên đây họp bàn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
và Quân ủy Trung ương để quyết định những công việc lớn của đất nước. Một hình ảnh
đầy ấn tượng đập vào mắt chúng tôi đó là một cây ổi cổ thụ dễ đến vài trăm năm
tuổi, to bằng cột đình, gốc xù xì bởi những mấu, những bướu quanh thân nhưng lá
vẫn xanh tốt, lác đác trên cành vẫn lộ ra những quả chín vàng. Bên gốc ổi là một
ghế đi văng dài ngồi hai bên, được làm bằng gạch nhưng lớp xi măng đã rữa nham
nhở. Trong giây phút bùi ngùi xúc động tôi như thấy Bác vẫn ngày ngày ngồi ở
chiếc ghế này trò chuyện, mạn đàm công việc cùng các cộng sự thân yêu của Người.
Và Người hái búp của cây ổi này về thay chè như Người đã nấu chè từ búp cây ổi ở
nơi đầu nguồn Pác Bó những ngày đầu Bác mới về nước! Ôi. Bác mãi mãi thiêng
liêng, mãi mãi tự hào!.
Đem những điều trăn trở về gìn giữ, bảo tồn di tích cách mạng
có ý nghĩa lịch sử lớn lao như thế, vĩ đại như thế, kể cả căn hầm sở chỉ huy
Chiến dịch Trung Du năm 1951, mang tên “Chiến dịch Trần Hưng Đạo” của Đại tướng
Võ Nguyên Giáp đang gần như bị lãng quên để giãi bày cùng hai cán bộ trẻ ở tổ
nghiệp vụ du lịch Tam Đảo. Các anh cho biết: Vào giữa tháng 5/2009, Bộ Văn hóa
Thể Thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Di sản văn hóa Việt
Nam tổ chức hội thảo khoa học “Tam Đảo - Di sản văn hóa và tiềm năng du lịch”.
Hội thảo đã thống nhất đi đến quyết định cần sớm xây dựng, quy hoạch tổng thể về
bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng và kháng chiến nhằm phát huy tốt nhất tiềm
năng du lịch của vùng Tam Đảo.
Là người ngưỡng mộ vùng đất hữu tình, ẩn chứa nhiều huyền sử
và danh thắng, xin góp đôi lời ngợi ca, coi như là lời bái vọng đất trời, điểm
xuyết thêm vẻ đẹp vĩnh hằng và sức sống trường tồn của miền đất thiêng Tam Đảo.
Chu Sĩ Liên