Bạn đang xem: Trang chủ » Kinh tế

Chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa

Thứ sáu 03/02/2023 14:00

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, huyện Thạch An nỗ lực tập trung phát triển các loại cây trồng mũi nhọn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Trồng hồi đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho nông dân huyện Thạch An.

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU, ngày 5/8/2020 của Huyện ủy về Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong huyện tập trung phát triển các cây trồng mũi nhọn, chủ lực đặc sản, đặc hữu như: lạc, hồi, thạch đen, lê vàng, chanh leo, các loại rau màu và chăn nuôi bò, lợn nái, lợn thịt thương phẩm. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm với nội dung đột phá về phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch lại vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và có kế hoạch phát triển phù hợp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. UBND huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện.

Huyện tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chủ động phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án; triển khai các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về quy hoạch vùng sản xuất đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thị trường, dịch vụ... Đến nay, huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tổ chức 25 lớp tập huấn sản xuất an toàn và cấp mã vùng trồng thạch đen với sự tham gia của 750 hộ dân tại các xã vùng trồng cây thạch đen và các hộ thu gom, kinh doanh cây thạch đen. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai 7 lớp tập huấn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa với 350 hộ tham gia.

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi hàng hóa, trên địa bàn huyện người dân đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập và tăng giá trị sản xuất, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Các cây trồng mũi nhọn trở thành cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Nhiều gia đình mở rộng diện tích trồng hồi, thạch đen, lạc… đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Hằng năm, huyện trồng 217,5 ha lạc; 534,87 ha thạch đen, 77 ha lê vàng, 23,23 ha rau màu các loại... Hiện, huyện có 2.560 ha hồi, sản lượng thu hoạch hằng năm trung bình đạt 3.500 tấn. Để bảo đảm chỉ tiêu, kế hoạch, năng suất, sản lượng hồi, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tốt việc chăm sóc cây, nâng cao chất lượng hoa hồi. Cùng với phát triển các loại cây trồng thế mạnh, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, toàn huyện có 6.922 con trâu, 1.860 con bò, 20.874 con lợn.

Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Thế Phúc nhận định: Chương trình số 02 được cụ thể hóa từ Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh thực hiện nội dung đột phá theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã xác định rõ trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện chương trình, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Chủ động xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân chịu trách nhiệm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế địa phương.

Năm 2023, huyện tiếp tục đưa các giống chất lượng cao vào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP đã được chứng nhận. Toàn huyện đang tiến hành trồng 14,5 ha cây lê vàng tại các xã: Lê Lai, Vân Trình, Đức Long, Lê Lợi, Đức Xuân, Kim Đồng và thị trấn Đông Khê; 12,5 ha cây chanh leo tại 2 xã Vân Trình, Lê Lai; khoảng 500 ha cây thạch đen tại các xã: Trọng Con, Đức Thông, Thụy Hùng, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng. Tập trung trồng thạch an toàn hữu cơ trên diện tích đất ruộng lúa theo hướng sản xuất chuỗi giá trị. Trồng 250 ha lạc hàng hóa theo chuỗi giá trị tại các xã: Vân Trình, Lê Lai, Thụy Hùng, Đức Long, Thái Cường, Đức Xuân, Lê Lợi. Tiếp tục duy trì diện tích  trồng rau hằng năm của nhân dân, vận dụng chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển rau màu theo chuỗi giá trị. Duy trì 1 trang trại chăn nuôi bò tại xã Vân Trình với quy mô thiết kế 300 con bò thịt, 100 con bò sinh sản; trồng mới 15 ha hồi tại các xã: Lê Lợi, Lê Lai, Vân Trình, Đức Xuân, Thụy Hùng và thị trấn Đông Khê; 35 ha quế tại các xã: Trọng Con, Đức Thông, Quang Trọng, Đức Long, Thụy Hùng, Lê Lợi, Minh Khai, Canh Tân.

Tiến Mạnh

Viết bình luận

Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài. Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng

 (*) 

  (*)

   

Số ký tự còn lại:

Protected by FormShield
Refresh